Từ chiều 19/11, từng nhóm HS đã “bí mật” đi hái hoa rừng, rau… ở gần khu vực trường để sáng hôm sau tặng thầy cô giáo. Thầy hiệu trưởng nhận được món quà đặc biệt: Một chai dầu gội đầu… Những hồn nhiên, chân thành của HS vùng cao là sợi dây vô hình níu giữ thầy cô giáo gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn.
Thương người cõng chữ lên non
Thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tr`Hy không khỏi ngạc nhiên và hạnh phúc khi nhận được những món quà giản dị nhưng chứa đựng tình cảm đong đầy của HS. Cô Võ Thị Hải Hiếu – GV Mỹ thuật kể: “Quà mà giáo viên chúng tôi nhận được nhiều nhất từ các em HS là hoa rừng, có em hái cả rau, măng, chuối đem đến lớp tặng cô. Đây là những sản vật của rừng núi mà các em tự kiếm được. Nó chứa đựng tình cảm, quan tâm của học trò vùng cao với thầy cô giáo nên mình nhận quà của HS mà cảm động ứa nước mắt. Có năm, giáo viên vừa vào lớp đã nhận được thiệp chúc mừng do chính HS tự vẽ. Nét vẽ còn vụng về nhưng thầy cô giáo lại rất hạnh phúc”.
Là GV môn Mỹ thuật, cô Hải Hiếu phải dạy ở tất cả điểm trường của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tr`Hy. Ngoài điểm trường chính còn có 4 điểm trường ở các thôn. Từ đầu năm đến nay, bão chồng bão, lũ chồng lũ nên quãng đường đi dạy của cô Hiếu như dài thêm ra. Như điểm trường ở thôn Abanh 2, dù chỉ cách điểm trường chính chưa đầy 3km nhưng cả mấy tháng nay, cô Hiếu phải mất hơn tiếng đồng hồ cả đi bộ lẫn xe máy.
“Tôi chỉ di chuyển được bằng xe máy một đoạn ngắn rồi để xe ở bên đường để bắt đầu đoạn đường đi bộ đầy sình lầy trơn trượt. Có những hôm mưa to, nhiều đoạn đường sạt lở không qua được, phải nhờ xe múc đưa qua. Sợ lắm nhưng mình không thể bỏ tiết được. Cứ nghĩ đến sự háo hức của HS, mọi chuyện rồi cũng qua” – cô Hiếu tâm sự.
Có những ngày mưa to, nước lũ đổ về, vừa dạy cô Hiếu vừa lo không biết hết buổi học, có còn cầu để quay về trường chính hay không. Các thầy giáo cùng người dân trong thôn đã 3 lần phải làm cầu bắc qua con suối này để HS không phải nghỉ học ở nhà. Nhưng rồi cây cầu nào cũng đều bị cuốn trôi sau những cơn lũ dữ.
Cô Trà Thị Thu – GV Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) kể: “Năm nay, lần đầu tiên tôi nhận được một món đặc biệt sau 6 năm theo nghề giáo: Một chai dầu gội đầu được gói cẩn thận. Quà mà GV chúng tôi nhận được từ HS thường là rau rừng, hoa rừng các em hái được trên đường đến trường, có em còn tặng cô giáo cả giò phong lan. Cách tặng quà của các em cũng thật đặc biệt, quà được dúi vào tay cô giáo, HS chỉ cười cười thay lời chúc. Thế thôi mà GV cảm nhận được sự ấm áp của trò”.
Gieo yêu thương nhận lại ngọt ngào
Thầy Nguyễn Đông Vũ – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tr`Hy không giấu được niềm vui: “Món quà bất ngờ nhất mà tôi nhận được trong ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là chai dầu gội đầu của một HS lớp 5. Gần gũi học trò nên tôi biết, để có được món quà này, các em phải tiết kiệm từ chi phí sinh hoạt bán trú hàng tháng mới có được. Nhận được quà của HS vừa vui mừng vừa cảm động không biết nói sao cho hết”.
Ngày 20/11 năm học này, niềm vui lớn nhất của hội đồng sư phạm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Ch`Ơm (huyện Tây Giang, Quảng Nam) là không có HS nào nghỉ học do ảnh hưởng bởi mưa bão, sạt lở. Sau cơn bão số 5 và 9, con đường độc đạo từ trung tâm lên xã Chow`Ơm bị vùi lấp hoàn toàn. “Thầy cô và HS phải dùng mì tôm làm canh, ăn cá khô. May còn 700kg gạo dự trữ từ đầu năm học. Rồi cá khô cũng hết. Chúng tôi phải đi mua thực phẩm khô tại các cửa hàng tạp hóa nhưng cũng chỉ đủ cho HS trong chưa đầy tuần lễ” – thầy Nguyễn Minh Châu – Hiệu trưởng nhà trường kể.
Không thể để HS về nhà vì vừa không bảo đảm an toàn và rất khó để vận động các em ra lớp trở lại, các thầy giáo quyết định về xã A Xan – cách đó 20km để mua cá khô, tép khô, dầu ăn… duy trì bán trú cho gần 100 HS. “Ròng rã trong ngày, đoạn nào chở được bằng xe máy thì chở, không chúng tôi gùi bộ dưới trời mưa tầm tã. Những vất vả đó, chúng tôi đều vượt qua được, miễn sao giữ chân được học trò, các em đi học chuyên cần” – thầy Châu chia sẻ.