Buổi sáng, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Điểm mới của dự thảo luật là quy định rõ việc xóa nợ thuế.
Theo đó, đối với khoản nợ của doanh nghiệp đã quá 10 năm mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không có khả năng thu hồi, thẩm quyền xóa nợ dưới 5 tỷ đồng giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh; từ 5 - 10 tỷ đồng giao Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; từ 10 - 15 tỷ đồng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính và trên 15 tỷ đồng giao Thủ tướng Chính phủ...
Với 442/453 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,32% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Đối với quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo luật quy định, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác… Với 439/450 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 90,7% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Cuối buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc. Dự thảo Luật Kiến trúc quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc theo quy định của luật, gồm: Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân… Dự thảo luật cũng quy định lấy ngày 27/4 hằng năm là “Ngày Kiến trúc Việt Nam”. Với tỷ lệ 429/442 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 88,64% tổng số ĐBQH) Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc.
Cuối buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) nêu rõ những kết quả đạt được sau 10 năm thi hành, đồng thời chỉ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi. Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy, bố cục của dự thảo luật gồm 10 chương, 136 điều (sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều so với Luật Chứng khoán hiện hành) là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...
Một trong những nội dung được đa số các đại biểu quan tâm, thảo luận là mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Về vấn đề này, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau: Một là, giữ nguyên quy định như hiện hành là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính; hai là, tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.
Ngoài ra, một số ĐBQH cũng quan tâm đến nội dung chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (khoản 1, Điều 14). Theo tờ trình, nội dung này sửa đổi, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, phù hợp với sự phát triển của quy mô doanh nghiệp hiện nay, tương thích với điều kiện niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán...
Hôm nay 14/6, sau khi biểu quyết thông qua một số dự án luật, nghị quyết, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ họp phiên bế mạc (có truyền hình, phát thanh trực tiếp).