Sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Đa số ý kiến đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay cũng như tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng dự bị động viên hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Các đại biểu cũng đóng góp cụ thể về nhiều nội dung nhằm hoàn thiện luật.
Tiếp đó, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thảo luận ở đoàn về nội dung này.
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.
Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và biểu quyết thông qua nghị quyết này. Kết quả, với 448/451 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Trong buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thư viện. Phiên thảo luận có 18 đại biểu phát biểu ý kiến. Nhìn chung, các đại biểu tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể: Chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện; phân loại thư viện; về một số loại hình thư viện cụ thể (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng, thư viện thuộc cơ sở giáo dục, thư viện chuyên ngành, thư viện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp); về hoạt động của thư viện...
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá so với Pháp lệnh Thư viện nhằm phát triển ngành Thư viện Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, sáng tạo của người dân.