Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Thận trọng cắt giảm số lượng đại biểu HĐND

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường ngày 10/6, đa số các ĐBQH đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Các đại biểu nêu ý kiến tại Quốc hội ngày 10/6
Các đại biểu nêu ý kiến tại Quốc hội ngày 10/6

Các đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần thiết khi hai luật này thực hiện được hơn 3 năm nhưng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tế. Đặc biệt, việc cắt giảm số lượng đại biểu HĐND và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện cần phải xem xét thận trọng để bảo đảm chức năng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Giảm đồng loạt là bất hợp lý

Về việc cắt giảm số lượng đại biểu HĐND và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, theo đề xuất của dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) cho rằng, việc tăng hay không tăng biên chế quan trọng nhất là tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa đổi luật. Việc tổ chức bộ máy phải mang tính ổn định bền vững, do đó tăng hay giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban của HĐND cần cân nhắc.

“Cá nhân tôi đồng tình quan điểm giữ nguyên, vì luật mới thông qua và đi vào thực hiện hơn 3 năm. Bây giờ lại xáo trộn biên chế về tổ chức bộ máy thì không nên. Tính hiệu lực, hiệu quả của hai luật này đã được trả lời bằng hiệu quả KTXH của đất nước trong năm 2018 vừa qua. Ở đây, theo tôi cần xem xét việc tăng Phó Chủ tịch UBND có tương xứng với giảm Phó Chủ tịch HĐND hay không”?

ĐBQH Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) thì cho rằng, chủ trương chung hiện nay là phải giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên, giảm đồng loạt ở tất cả các địa phương là không hợp lý. Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương đề nghị quy định đối với các tỉnh, thành loại I thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Các tỉnh loại II, loại III thì chỉ bố trí 1 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Đồng thời, quy định như vậy đối với Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện.

“Về cơ cấu tổ chức UBND cấp xã, theo dự thảo luật quy định có tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND xã loại 2 so với quy định hiện nay. Như vậy là không đúng với chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mặt khác, hiện nay Chính phủ mới ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 92 đã quy định mỗi xã giảm 2 cán bộ công chức so với quy định hiện hành. Như vậy, nếu tăng 1 Phó Chủ tịch UBND xã loại 2 thì mỗi xã phải giảm đến 3 công chức. Do đó, cần giữ nguyên như quy định hiện hành là phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế”, đại biểu Cao Thị Giang bày tỏ quan điểm.

Bảo đảm chức năng, hiệu quả

ĐBQH Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, nếu sửa lại luật giảm còn 1 Phó Chủ tịch thì số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Thường trực HĐND sẽ giảm so với luật năm 2003. Theo chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND quy định tại Điều 104, có 10 nhiệm vụ rất cụ thể, nếu quy định như thế này rất khó để đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng quan điểm, ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, quan điểm của Đảng là tinh giản nhưng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ở đây, vấn đề là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND là vấn đề đặt ra rất cấp thiết hiện nay. Nếu giảm đi theo phương án của Chính phủ thì có làm giảm hiệu quả hoạt động của HĐND không? Nếu giảm người đi mà nâng lên được hiệu quả thì ta giảm.

Nhấn mạnh việc giảm đại biểu HĐND và các chức danh Phó Chủ tịch HĐND sẽ làm giảm hiệu quả, chức năng hoạt động của HĐND, ĐBQH Hoàng Quốc Thưởng (đoàn Hải Dương) đề nghị: Cần giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh như hiện nay mới bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. “Ở đâu có quyền lực ở đó phải có giám sát việc thực hiện quyền lực. Giám sát của HĐND cũng chính là giám sát của người dân đối với cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước. Do vậy, để tinh gọn cần đánh giá lại khách quan cả bộ máy Nhà nước, cả hệ thống chính trị. Những nơi nào cần giảm, đáng giảm thì phải cương quyết giảm, những thiết chế như Quốc hội, HĐND không những không giảm mà phải tăng thêm đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của đại biểu và các cơ quan giúp việc để đảm bảo hiệu quả giám sát, thẩm tra, thực hiện quyền của các cơ quan dân cử”, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ