Ngày học sinh chọn nghề

GD&TĐ - Rất nhiều học sinh đã thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ, khi tốt nghiệp họ trở thành người thành đạt. Có được điều đó, một phần cũng nhờ vào sự lựa chọn ngành nghề, trường lớp đúng đắn, phù hợp sức mình.

Đông đảo học sinh tham gia ngày hội
Đông đảo học sinh tham gia ngày hội
Ngày học sinh chọn nghề ảnh 1Ngày học sinh chọn nghề ảnh 2Ngày học sinh chọn nghề ảnh 3Ngày học sinh chọn nghề ảnh 4Ngày học sinh chọn nghề ảnh 5
Trước ngưỡng cửa vào đời, học sinh lớp 12 không khỏi băn khoăn với bao câu hỏi học gì, làm gì, trở thành ai, để rồi ngày hội hướng nghiệp đã giúp những cô câu học trò chỉ mới 18 tuổi có thêm những thông tin hữu ích, cũng như đủ tự tin để có thể nộp hồ sơ đăng ký vào những trường mà mình đã mơ ước hay theo đuổi.

Với vai trò là cầu nối, là bạn đồng hành của học sinh, Trường THPT Phan Đình Phùng lại một năm nữa tổ chức Ngày hội hướng nghiệp bổ ích.

Thay đổi cách nhìn về giới trẻ

Hơn 20 gian hàng đã được bố trí đều khắp sân trường để sẵn sàng tư vấn, lắng nghe và giải đáp những băn khoăn của học sinh. Những gian hàng của các trường kinh tế được quan tâm hơn cả như: Học viện Tài chính, Đại học kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương…

Nhìn những học sinh với khuôn mặt suy tư khi đặt câu hỏi, rồi lại mỉm cười sung sướng khi được tư vấn viên giải đáp, các em dường như đã thực sự trưởng thành chứ không còn là những học trò nghịch ngợm thường ngày.

Đặng Thủy Tiên – Học sinh 12A6 chia sẻ: Trước kia em rất thích trở thành doanh nhân nhưng nhiều khi em không biết phải lựa chọn trường ĐH nào để có chương trình đào tạo tốt, phù hợp với mong muốn của em.

Ngày hôm nay, sau khi tham khảo ở một số trường thuộc khối Kinh tế, em lại thấy mình có rất nhiều cơ hội và em sẽ tham khảo để đưa ra quyết định đúng đắn.

Cha mẹ học sinh đã rất muốn tham gia ngày hội cùng với các con, nhưng qua cách trao đổi, những lo lắng của con được bộc lộ với các tư vấn viên, đã không ít phụ huynh thay đổi suy nghĩ về con mình.

Thực sự họ cũng phần nào yên tâm khi thấy con suy nghĩ nhiều cho tương lai của bản thân. Khác hẳn với những cậu ấm cô chiêu hay làm nũng thường ngày. Và họ lại bắt đầu tin, tin vào tuổi 18.

Du học cũng là một lĩnh vực đang hot đối với các bạn trẻ. Ngay từ bây giờ, rất nhiều học sinh đã quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên thông tin về du học còn “nghèo” trong các trường THPT, chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để các em có thể được trực tiếp tìm hiểu một cách thiết thực nhất.

Phương Thảo – Tư vấn viên của Trung tâm Đào tạo tư vấn du học - đã vui mừng chia sẻ với học sinh trước những băn khoăn của các bạn trẻ, chị cho biết: Các bạn ấy thường quan tâm đến vấn đề đi nước nào để đào tạo tốt, học bổng ưu đãi và có cơ hội việc làm cao. 

Hầu hết các em đều hỏi chung một câu hỏi về học bổng cũng như tiêu chuẩn để đạt được học bổng. Thực sự được tiếp cận với các bạn trẻ, thậm chí còn rất trẻ, mình cảm thấy nên có cái nhìn khác về giới trẻ hiện nay.

Cũng như Thảo, anh Trương Thành Vinh – Trung tâm Baker Land (Đào tạo nấu ăn và quản trị nhà hàng) - cho biết: Học sinh tuy ở độ tuổi chưa “chín” nhưng có ước mơ và khao khát rất lớn. 

Có những em đã “lượng” sức học của mình và có thiên hướng chọn làm nghề, làm thợ luôn. Đã rất nhiều em mong muốn mở một nhà hàng lớn và phát triển kinh doanh theo hướng này, các em đã tìm đến gian hàng của mình với một sự quyết tâm rất lớn.

Tìm hiểu vì “thích”

Các gian hàng chiếm số lượng đông đảo học sinh nhất phải kể đến ngành thiết kế thời trang của Học viện Thời trang London, Trung tâm khoa học phân tích vân tay Gencode Việt Nam…

Ảnh hưởng nhiều của các nền văn hóa khác nhau, có sở thích về thời trang, có năng khiếu về hội họa nhưng không tìm được các câu trả lời cho những thắc mắc.

Không kể học sinh nam hay nữ đều đã ngồi rất lâu ở bàn tư vấn của Học viện Thời trang London với những câu hỏi: Em sẽ được học những gì, cơ hội phát triển như thế nào và khó khăn ra sao?...

Chị Ngô Hoàng Hà – Quản lý Học viện - chia sẻ: Hầu hết các em có sở thích trở nên nổi tiếng nhưng lại nghĩ nhiều về màu hồng trong nghề. 

Chính vì vậy các tư vấn viên của chúng tôi đã cho các em thấy niềm đam mê của mình muốn trở thành hiện thực cũng phải gặp rất nhiều gian nan và sự kiên trì chứ không phải là thảm đỏ. 

Nói như vậy không phải để các em chùn bước mà là để các em nhìn nhận vào thực tế, xác định đúng đắn hướng đi phù hợp sức mình.

Phạm Thu Trang – Học sinh 12D1 - sau khi được nghe tư vấn càng thể hiện quyết tâm: Em đã rất thích nghề Thời trang, dù em biết sẽ có nhiều thử thách nhưng em cũng được tư vấn về các khóa học, và em tin các kĩ năng đào tạo, cộng với niềm đam mê của em sẽ giúp em tự tin hơn khi theo đuổi ngành nghề mà mình đã lựa chọn.

Mặc dù trời mưa và sân trường bị ướt nhưng học sinh trường Phan Đình Phùng vẫn thỏa sức dò hỏi các kênh thông tin sẵn có ngay trong ngày hội hướng nghiệp này.

Sẵn sàng xếp thành hàng dài để chờ đến lượt, gian hàng “phân tích dấu vân tay” lúc nào cũng đông kín học sinh. 4 chuyên gia của Trung tâm Khoa học Gencode Việt Nam đã phải làm việc liên tục trong niềm vui háo hức của cá học sinh.

Chị Nguyệt Anh – Giám đốc phụ trách Trung tâm - chia sẻ: Phân tích vân tay là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Việc phân tích này giúp học sinh xác định năng khiếu, yếu điểm bẩm sinh, tạo dựng môi trường nuôi dưỡng và giáo dục phù hợp. 

Từ đó, giúp các em lựa chọn môn học, chuyên ngành phù hợp để tiết kiệm thời gian cũng như chi phí cho những khóa học không phù hợp. Đồng thời nó cũng góp phần cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, tạo dựng tính tự tin giúp các em phát triển toàn diện.

Đỗ Hoàng Long – Học sinh lớp 10 - vui mừng nói: Kết quả phân tích cho thấy em có thiên hướng về ngoại giao, em cũng thực sự rất yêu thích những hoạt động “bề nổi” và em sẽ quyết tâm học tốt ngay từ bây giời để đến khi thi ĐH, em sẽ thi vào Học viện Ngoại giao. Việc này đã củng cố sự tự tin, tính quyết đoán của em rất nhiều và em không còn đắn đo gì khi đưa ra quyết định nữa.

Ngoài những trường và những đơn vị đào tạo giáo dục đã có tên tuổi, học sinh cũng rất tò mò với những cái tên mới như Học viện Chính sách và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Chương Hóa,...

Trong niềm vui của ngày hội, giáo viên và phụ huynh đều không “can thiệp” nhiều giữa các cuộc trao đổi, họ chỉ đứng phía sau thể hiện niềm tin vào các con. Và phần nào thấy được sự đổi thay tích cực ấy mà ngày thường họ không nhận ra. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ