Ngày càng nhiều phụ nữ nhiễm HIV

GD&TĐ - Hình thái dịch HIV/AIDS ở nước ta có sự thay đổi trong những năm qua. Đối tượng mắc chủ yếu có sự dịch chuyển từ nam sang nữ. Con đường lây truyền chủ yếu do dùng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy sang lây qua đường tình dục đòi hỏi công tác phòng chống căn bệnh phải có sự thay đổi để phù hợp với thực tế.

Ngày càng nhiều phụ nữ nhiễm HIV

Người mắc tăng gấp 3 lần

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2015, cả nước có 7.054 người nhiễm HIV mới được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm lên 227.154, trong đó số người chuyển sang AIDS là 83.538 và có trên 86.000 người tử vong vì bệnh trên.

Dịch HIV/AIDS tiếp tục lan rộng theo địa bàn. Tại khu vực miền núi dịch HIV đang lan rộng với mức độ trầm trọng hơn so với thành phố với khoảng 80,3% xã phường có người nhiễm HIV tập trung ở các vùng miền núi Nghệ An, Lai Châu nơi có biên giới giáp Lào. 

Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm có nguy cơ cao (nghiện ma túy, mại dâm, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng tính) có xu hướng giảm nhưng một số tỉnh vẫn cao. Tại Thái Nguyên, 100 người nghiện ma túy thì có đến 30 người nhiễm HIV, ở Điện Biên con số này là 24. Riêng Hà Nội, ngoài nhóm nghiện ma túy, tỷ lệ phụ nữ bán dâm nhiễm HIV rất cao chiếm tới 17%; gấp 5 lần TP HCM (trong khi đó, tỷ lệ này trên cả nước chỉ là 3%).

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Hình thái dịch có sự thay đổi trong những năm qua. 80% người mắc bệnh ở độ tuổi 20 - 40. Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh gia tăng. Nhiễm HIV qua đường tình dục đang trở thành một trong những nguyên nhân chính. Nếu như 10 năm trước đây, tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV mới ở mức 10% thì năm 2007 tăng lên trên 24% và hiện nay là 32,4%. Nữ giới nhiễm HIV qua con đường tình dục chiếm tới 50% tổng số ca mắc. Có đến gần 50% phụ nữ bán dâm không dùng bao cao su thường xuyên. Tỷ lệ này ở nam quan hệ tình dục đồng giới cũng khoảng 63%.

Tăng tiếp cận thuốc để giảm nguồn lây nhiễm

Nữ giới nhiễm HIV gia tăng đồng nghĩa với việc có nhiều phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra đối diện với nguy cơ mắc bệnh. Với tỷ lệ nhiễm HIV như hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. 

Theo ThS Nguyễn Lan Hương, Phòng Điều trị chăm sóc HIV/AIDS (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), điều tra bà mẹ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm và điều trị thuốc ARV cho thấy, cứ 100 bà mẹ được điều trị dự phòng thì chỉ có 7 - 8 trẻ sinh ra nhiễm HIV, đặc biệt nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện điều trị sớm thì cứ 100 trẻ sinh ra chỉ có 3 trẻ nhiễm HIV. Giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ từ mẹ nhờ dùng thuốc ARV đã được khẳng định qua thực tế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều phụ nữ mang thai chưa được tiếp cận với dịch vụ trên.

Theo ThS Hương, khả năng dự phòng giảm lây truyền mẹ con còn hạn chế do mức độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh thấp, xét nghiệm muộn làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con. Hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chỉ bao phủ được khoảng 60% số bà mẹ mang thai nhiễm HIV. Nhiều phụ nữ sau sinh không tiếp tục đến cơ sở y tế dẫn đến tình trạng mất ấu sau khi sinh con cao gây khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tất cả phụ nữ nhiễm HIV có thai và đang cho con bú nên được điều trị ARV và duy trì ít nhất trong thời gian có nguy cơ lây truyền mẹ con. Tất cả phụ nữ nhiễm HIV có thai và đang cho con bú nên được điều trị ARV suốt đời. Đây là thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại nước ta bởi việc cắt giảm hàng loạt các dự án, vốn tài trợ quốc tế từ năm 2013 ảnh hưởng rất nhiều đến các chương trình can thiệp, trong đó có đối tượng phụ nữ mang thai nhiễm HIV. 

Bên cạnh đó, chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng chưa được đưa vào quy trình chăm sóc định kỳ nên nhiều nơi còn gây khó khăn, thậm chí từ chối khi biết tình trạng bệnh của sản phụ. Có nơi tiếp nhận nhưng người bệnh chịu áp lực từ thái độ đến hành vi ứng xử của nhân viên y tế, phải tự chi trả mọi chi phí phát sinh trong khi phần lớn đối tượng này đều không có thu nhập ổn định… 

Điều này cho thấy, phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải vận dụng nhiều nguồn lực để có kinh phí mua thuốc điều trị cho người bệnh, tăng khả năng tiếp cận biện pháp dự phòng (bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí), xét nghiệm sớm cùng chẩn đoán, theo dõi điều trị.

Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về dự phòng HIV của các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Chỉ có 4 trong 10 phụ nữ mại dâm và nam tình dục đồng giới nhận được bao cao su và biết địa chỉ các cơ sở xét nghiệm HIV. Chỉ có 4 trong số 10 người tiêm chích ma túy nhận được bơm kim tiêm sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ