Ngày 26/2, sẽ tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên vaccine COVID-19 Việt Nam giai đoạn 2

GD&TĐ - Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine “made in Việt Nam” đầu tiên thử nghiệm trên người của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Người tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: Thúy Hạnh
Người tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax. Ảnh: Thúy Hạnh

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), vừa cho biết trong giai đoạn 1, vắc-xin Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất cho kết quả an toàn. Với 3 liều tiêm: 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, vắc-xin cho thấy đều sinh miễn dịch tốt; trong đó, tỷ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (tức là có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75 mcg.

Nano Covax là vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng. Trước đó, ngày 17/12/2020, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã chính thức thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax đối với 60 tình nguyện viên. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khỏe ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

Theo ông Quang, giai đoạn 2 việc thử nghiệm vắc-xin Nano Covax sẽ được triển khai tại 2 địa điểm để việc tiếp nhận người tiêm tình nguyện được nhanh hơn, gồm: Học viện Quân y (tại Hà Nội) và Viện Pasteur TP HCM thực hiện tại tỉnh Long An.

Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine “made in Việt Nam” đầu tiên thử nghiệm trên người của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Nếu đúng tiến độ, mũi thứ 2 sẽ tiêm vào cuối tháng 3, đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2.

Từ đó, giai đoạn 3 có thể bắt đầu trong đầu tháng 5/2021. Điều này sẽ thực hiện được nếu các dữ liệu nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn, tính sinh miễn dịch.

Hội đồng của Bộ Y tế thống nhất giai đoạn 2 vẫn triển khai ở nhóm 3 liều (25-50 và 75mcg) để đảm bảo tính khoa học; đồng thời sẽ cộng thêm một nhóm người không tiêm vaccine để làm kết quả đối chứng, đánh giá hiệu quả, phân tích khoa học của vaccine.

Hai nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur TP HCM và Học viện Quân y cam kết, từ nay đến cuối tháng 4/2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ nghiên cứu giai đoạn 2 để đến đầu tháng 5/2021 có dữ liệu nghiên cứu, làm cơ sở cho Hội đồng xem xét, có thể chuyển sang giai đoạn 3.

Với tiến độ triển khai như hiện nay, TS Quang hy vọng Việt Nam sẽ mất khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.

Qua tính toán sơ bộ ban đầu, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn thời gian còn 3 tháng thay vì 6 tháng.

Được biết, tiến độ sản xuất vaccine COVIVAC của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vaccine của Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ