Sáng 19/2, phát biểu tại cuộc giao ban trực tuyến về phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tinh thần chung của Bộ Chính trị là phải đảm bảo vaccine để sử dụng cho người dân. Đây là mục tiêu ưu tiên của Bộ Chính trị, làm sao để mỗi người dân có thể tiếp cận vaccine.
Thời gian qua, Bộ Y tế tích cực, khẩn trương, phối hợp các tổ chức, đơn vị sản xuất vaccine để có thể đàm phán, sớm có vaccine cho người dân. Ước tính, trong năm 2021, nếu đảm bảo tiêm cho dân số thì phải có 150 triệu liều vaccine.
Hiện, Bộ Y tế đã đàm phán với các đơn vị, kết quả có tổng số 60 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người dân Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Y tế đã đàm phán với các đơn vị, với COVAX, có cam kết 30 triệu liều trong năm 2021, dành cho 6 tháng cuối năm 2021. Bộ Y tế cũng đã tiến hành cam kết với AstraZeneca là nhập khẩu 30 triệu liều. Như vậy, tổng số trong năm 2021 Việt Nam có 60 triệu liều.
Bộ Y tế cũng tiếp tục đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna và một nước khác, nhằm thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc đảm bảo vaccine cho người dân.
Việc sử dụng vaccine, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế tuân thủ đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định pháp luật có liên quan trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao.
Bộ Y tế sẽ có báo cáo với Chính phủ, để bảo đảm có hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cũng đã thực hiện cơ chế cấp phép và nhập khẩu vaccine trong điều kiện khẩn cấp. Trong vòng 5 ngày, các cơ quan chức năng sẽ phải thực hiện toàn bộ quy trình hồ sơ và dữ liệu lâm sàng, chất lượng của vaccine để cấp phép sớm, trên tinh thần giảm bỏ tối đa thủ tục hành chính theo cơ chế khẩn cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Việt Nam cố gắng trong năm 2021, người dân có thể tiếp cận vaccine đầy đủ.
"Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vaccine thì có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong nhập khẩu vaccine đảm bảo người dân" – Bộ trưởng nhấn mạnh.
COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Trong cơ chế này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để bảo đảm các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.