Học viện Quân Y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax liều cao nhất 75mcg trên 3 tình nguyện viên trong ngày 12/1. Ảnh: Vietnamnet
Ngày 12/1, Học viện Quân Y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm vaccine Nanocovax liều cao nhất 75mcg trên 3 tình nguyện viên. Khi 3 người trên ổn định sau 72 giờ, Học viện Quân Y sẽ tiêm tiếp 17 người còn lại. Đây là nhóm 20 người cuối cùng tham gia thử nghiệm dò liều tối ưu của giai đoạn 1 vaccine Nanocovax do công ty Nanogen sản xuất.
Trước đó, sáng 26/12, sau khi tuyển chọn, 3 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax liều 50mcg. Đây là giai đoạn 1b trong quá trình thử nghiệm Nanocovax phòng covid-19 trên người tại Học viện Quân y.
Sau tiêm, sức khoẻ các tình nguyện viên đều ổn định, khoảng 60% có biểu hiện sốt nhẹ, đau tại ví trị tiêm. Tuy nhiên các phản ứng đều hết sau 24 giờ đầu tiên. Trên thế giới, khoảng 80% trường hợp vắc xin tiêm tại bắp cũng đều có phản ứng tương tự.
Như báo chí đã thông tin trước đó, công ty Nanogen hoàn thành sản xuất vaccine Nanocovax trong thời gian 6 tháng và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 17/12 vừa qua.
Trong giai đoạn 1, vaccine sẽ được thử nghiệm trong 4 tháng trên 60 tình nguyện viên, tương ứng 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg. Khi được nửa chặng đường, nhóm nghiên cứu sẽ gối tiếp giai đoạn 2 thêm 4 tháng, sau đó sang giai đoạn 3 kéo dài 6 tháng trên nhóm mẫu 10.000 – 30.000 tình nguyện viên.
Hiện số tình nguyện viên đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm Nano Covax vẫn tiếp tục tăng. Mỗi ngày, bệnh viện sẽ thông báo tới 20 tình nguyện viên để tiến hành sàng lọc. Tuy nhiên qua các vòng như phỏng vấn, khám sức khỏe và xét nghiệm thì trung bình chỉ tuyển chọn được 5 tình nguyện viên có đủ tiêu chuẩn chặt chẽ tham gia tiêm.
Liên quan tới vaccine phòng Covid-19 "made in Vietnam", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay ngày 1/3/2021 hai loại vaccine khác của Việt Nam do Ivac và Vabiotech nghiên cứu, sản xuất sẽ tiêm thử nghiệm trên người ở cả miền Bắc và Nam. Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của loại vắc xin này trước khi quyết định tiêm cộng đồng.