Ngành Y tế chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ

GD&TĐ - Mùa mưa lũ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, ngành y tế các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu dân cư (Ảnh minh họa).
Đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu dân cư (Ảnh minh họa).

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến ngày 28/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 917 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện ngành y tế chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; Đồng thời, ra quân vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, úp các dụng cụ chứa nước, hạn chế môi trường ẩm để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành…

Ngành Y tế cũng tổ chức tập huấn kiến thức phòng chống các dịch bệnh dễ lây lan vào mùa mưa cho cán bộ, nhân viên y tế xã, y tế thôn bản.

Vào mùa mưa bão, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn như: thực hiện chế độ trực ban phòng chống lụt bão theo kế hoạch; chuẩn bị thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất khử khuẩn và tổ chức tốt việc trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra.

Thời gian qua, người dân thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) đã đồng loạt tổ chức ra quân làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp các nơi ao tù, nước đọng; dọn dẹp các vật dụng, chai lọ, phế liệu ứ đọng nước.

Lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn cụ thể người dân về cách dự trữ lương thực, xử lý nước sạch, ăn chín uống sôi nhằm chủ động phòng chống bệnh trước, trong và sau mưa lũ.

Chị Cao Thị Luyến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố An Du Nam 2, thị trấn Cửa Tùng nói: “Ngay từ đầu mùa mưa, chúng tôi thường xuyên triển khai hướng dẫn cho chị em cách phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ.

Những ngày nắng ráo, chi hội phụ nữ kết hợp với đoàn viên thanh niên tổ chức vệ sinh các tuyến đường, thu gom ve chai, vừa đảm bảo sạch sẽ đường làng ngõ xóm, vừa gây quỹ hoạt động. Phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngoài ra, chi hội phụ nữ cũng hướng dẫn, vận động chị em thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nấu nướng, dùng nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, tuyên truyền người dân chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm, nước uống, thuốc… phòng khi thiên tai kéo dài, giao thông bị chia cắt”.

Ông Dương Viết Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, để chủ động ứng phó, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm thường thấy trong mùa mưa lũ, huyện đã chỉ đạo trung tâm y tế chuẩn bị đầy đủ hóa chất xử lý môi trường, đảm bảo khi mưa lũ xảy ra thì nước rút đến đâu vệ sinh đến đó.

Đồng thời, hướng dẫn người dân biết các biện pháp xử lý nguồn nước, đảm bảo nước sạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo ngành y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc men, vật tư thiết yếu để khám chữa bệnh và cấp cứu kịp thời cho người dân trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.