Nam sinh viên Đà Nẵng 'xung phong' đi cứu người trong đêm mưa lũ

GD&TĐ - Nghe tin nhiều người dân Đà Nẵng bị ngập lụt trong đêm 14/10 phải cầu cứu, sinh viên Nguyễn Minh Đức đã xin lực lượng công an để tham gia đi cứu hộ.

Sinh viên Nguyễn Minh Đức cùng lực lượng công an đi cứu dân trong trận lũ ngày 14/10.
Sinh viên Nguyễn Minh Đức cùng lực lượng công an đi cứu dân trong trận lũ ngày 14/10.

Xin đi cứu “người dưng” gặp nạn

Cơn mưa lũ lịch sử hôm 14/10 đã khiến nhiều khu vực ở TP. Đà Nẵng ngập sâu trong nước, có nơi nước cao hơn 2m. Nước tràn vào nhà trong đêm khiến người dân bất ngờ, nhiều người đành phải cầu cứu xã hội.

Trong đêm lũ lịch sử đó, lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức đi ứng cứu bà con, trong đội hình cứu hộ đêm hôm ấy có chàng trai Nguyễn Minh Đức (18 tuổi, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) – sinh viên Trường Cao đẳng FPT Đà Nẵng. Đức đã gọi điện xin lực lượng chức năng để tham gia cứu hộ người dân giữa lúc gian nguy ấy.

Chia sẻ với PV Báo GD&TĐ, Đức cho biết, vốn sinh ra và lớn lên ở vùng lũ của Hà Tĩnh nên từ nhỏ Đức đã biết bơi lội. Khi vào Đà Nẵng theo học tại Trường Cao đẳng FPT, Đức cùng bạn của mình trọ tại đường Ngô Sĩ Liên (quận Liên Chiểu).

Tối 14/10, khi vừa kết thúc môn học tiếng Anh online, Đức đi ăn tối cùng bạn. Thế nhưng, khi đi ăn về, cơn mưa lớn kéo dài cả ngày hôm đó khiến mực nước dâng cao, bao vây cả xóm trọ.

Cùng với đó, nhiều tiếng cầu cứu của người dân trên mạng khiến Đức và bạn lo lắng cho tính mạng người dân. Vốn biết bơi, Đức cùng bạn của mình vội vã lao ra đường đi cứu người.

Sinh viên Nguyễn Minh Đức tham gia cứu người bị nạn trong đêm lũ 14/10.

Sinh viên Nguyễn Minh Đức tham gia cứu người bị nạn trong đêm lũ 14/10.

“Lúc đó em mặc quần đùi, áo ngắn tay nên khá lạnh vì mưa lớn lắm. Không nghĩ gì nhiều, em nhắm thẳng hướng đường Mẹ Suốt ở phường Hòa Khánh Nam để ứng cứu người bị nạn”, Đức kể.

Khi đến đầu đường, nước ngập gần 1m, Đức gặp lực lượng cứu nạn - cứu hộ Công an TP. Đà Nẵng vội vã xin gia nhập đội cứu hộ đi cứu dân. “Sau khi em xin các anh công an và bộ đội cho em tham gia đi cứu dân, các anh dò hỏi cẩn thận rồi mới cho em mặc áo phao đi cứu người”, Đức kể.

Gia nhập đội cứu hộ xong, suốt đêm 14/10, Đức cùng lực lượng chức năng liên tục ngâm mình trong nước lũ lạnh buốt cứu hàng chục hộ dân ở vùng thấp trũng.

“Khi đi cùng lực lượng chức năng qua cầu trên đường Mẹ Suốt, em có nghe tiếng la hét cầu cứu bên trong nhà. Em cùng bộ đội ráng di chuyển vào bên trong các nhà có người mắc kẹt vì lúc này, nước chảy rất xiết. Em cùng bộ đội, công an bơi vào cứu. Em chụp được 2 phụ nữ còn khỏe đưa ra ngoài, còn bộ đội công an tìm cách cứu và đưa một người đã bị kiệt sức ra phía sau. Khi ra khỏi căn nhà, lực lượng công an, bộ đội bên ngoài bơi vào cột dây để đưa mọi người ra xuồng. Cũng trong đêm đó em cứu thêm được 1 đứa nhỏ cỡ 3 tuổi bị mắc kẹt trong nhà”, Đức nhớ lại.

Bỏ chút sức nhỏ cùng lực lượng cứu dân

Đức cho hay, sinh ra tại vùng quê có lũ lụt quanh năm nên hơn ai hết, nếu không biết bơi thì sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.

“Lúc đó cúp điện trời tối như mực, nước dâng cao tới ngực, lại chảy rất xiết nhưng các anh bộ đội đã trang bị áo phao cho em và đi cùng có các anh nên em cũng khá yên tâm. Khi cứu được người dân ra ngoài an toàn, em mừng lắm! Lúc đó em chỉ nghĩ cứu người là quan trọng nhất, em chỉ sợ mình bị chuột rút không kịp cứu người khác”, Đức chia sẻ.

Đức cùng lực lượng quân đội, công an cứu được nhiều người bị mắc kẹt do mưa lũ.

Đức cùng lực lượng quân đội, công an cứu được nhiều người bị mắc kẹt do mưa lũ.

Ông Phạm Hàng (62 tuổi, trú phường Hòa Khánh Nam) kể đêm đó nước dâng rất nhanh, gia đình ông được hàng xóm hỗ trợ đưa qua nhà cao tầng để lánh nạn. Lúc đó, vì lo lắng nên các con ông đã đăng bài trên mạng xã hội để cầu cứu.

“Nhiều người ở xóm tôi được lực lượng chức năng giải cứu lúc lánh nạn trên nóc nhà. Sau này nước rút mới biết chuyện có cậu thanh niên 18 tuổi xa lạ lao vào cứu hàng xóm tôi, đưa đi. Nghe mà cảm phục lắm”, ông Hàng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.