Ngành Tư pháp thực hiện tốt vai trò ‘người gác cổng’ về vấn đề pháp lý

GD&TĐ - Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Chủ trì điểm cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Nguyễn Thanh Tịnh, Đặng Hoàng Oanh. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” của Chính phủ, năm 2022, ngành Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác.

Các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành.

Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.

Các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ là người gác cổng về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị địa phương, từng bước tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và hoàn thiện khá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực.

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2023.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật. Toàn ngành Tư pháp tập trung tham mưu thể chế hoá những định hướng chính sách trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy. Ngành cũng đã tích cực tham gia xây dựng các văn bản của Đảng về phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực.

Với sự tham mưu trực tiếp của Bộ Tư pháp và Tổ chức pháp chế, các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 6 Nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật…Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 văn bản; các sở, ngành ở địa phương trình Hội đồng nhân dân và UBND các cấp ban hành gần 7.500 văn bản.

Hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được tăng cường, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân. Thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, nhất là lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản...

Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật có nhiều dấn ấn nổi bật. Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN. Việc tham gia giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Riêng về công tác đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp".

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Năm 2023, ngành Tư pháp sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, chủ động tham mưu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Quán triệt và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục tập trung thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Năm 2023, ngành Tư pháp cũng sẽ tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với tình hình mới.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện đầu tư công, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của ngành Tư pháp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ