Ngành nghề nào hút nhân sự trong 3 năm tới?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các ngành nghề nào được ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ - trung tâm kinh tế lớn của cả nước?

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một buổi trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTTU
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong một buổi trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTTU

Các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, kinh doanh và quản lý, sức khỏe vẫn được ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

Lương khởi điểm trình độ đại học 5 - 10 triệu đồng

Đại học Quốc gia TPHCM vừa công bố kết quả đề án khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Mục tiêu của đề án khảo sát là xác định thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị tại 4 địa phương trên, cung cấp thông tin tham khảo để xây dựng kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học phù hợp, hiệu quả.

Khảo sát được thực hiện bằng bảng câu hỏi với 3 phần chính: Các đặc điểm của đơn vị sử dụng lao động; xu hướng tuyển dụng; yêu cầu của các đơn vị với các ứng viên. Khảo sát nhận được phản hồi của gần 1.800 doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp chế biến - chế tạo, Thương mại - tiêu dùng. Khoảng 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát có quy mô tầm trung, vừa và nhỏ; phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Công bố đề án tại Hội nghị Thường niên năm 2023 của Đại học Quốc gia (ngày 22/12), PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng Viện Phát triển năng lực lãnh đạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, mức lương khởi điểm mà các đơn vị đề xuất cho các ứng viên trình độ đại học chủ yếu 5 - 10 triệu đồng/tháng; tiếp theo là mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng. Mức lương 10 - 30 triệu đồng/tháng sẽ dành cho nhân sự đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo ông Hồ Quốc Bằng, khoảng 67% đơn vị sử dụng lao động ở 4 tỉnh trên đều ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, nhân sự tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa được ưu tiên tuyển dụng cao nhất.

Điều này tương ứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Đông Nam Bộ trong 3 năm, từ 2020 đến 2022. Cụ thể, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng tuyển dụng nhân sự nhiều nhất ở lĩnh vực kỹ thuật (hơn 15 nghìn nhân sự/3 năm). Tiếp đó là lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, sản xuất - chế biến, kinh doanh và quản lý, với số lượng nhân sự được tuyển dụng mới từ 10.000 đến trên 11.000 nhân sự cho mỗi lĩnh vực.

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm trong ngày hội việc làm năm 2023 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm trong ngày hội việc làm năm 2023 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Kỹ thuật, công nghệ vẫn “hot”

PGS.TS Hồ Quốc Bằng cho biết, trong 3 năm tiếp theo (2023 - 2025), hoạt động tuyển dụng nhân sự của các địa phương Đông Nam Bộ kể trên có xu hướng giảm. Số nhân sự mà gần 1.800 đơn vị sử dụng lao động được khảo sát dự kiến tuyển dụng trong thời gian tới là hơn 79.000 người, giảm hơn 12% so với 3 năm trước đó.

Cụ thể, so với giai đoạn 2020 - 2022, kiến trúc, xây dựng và dịch vụ xã hội là những lĩnh vực giảm nhu cầu tuyển dụng mạnh nhất (trên 30%). Tiếp đến là các lĩnh vực nghệ thuật; toán và thống kê; công nghệ kỹ thuật; nông, lâm nghiệp và thủy sản; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (giảm trên 20%). Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; pháp luật và thú y có xu hướng tăng nhẹ.

“Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các đơn vị tại 4 địa phương Đông Nam Bộ chủ yếu tập trung ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật; công nghệ kỹ thuật; sản xuất và chế biến; kinh doanh và quản lý; máy tính, công nghệ thông tin và sức khỏe”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng đánh giá.

Nhóm nghiên cứu đề án trên cho rằng, để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không sử dụng được, gây lãng phí nguồn lực của xã hội, Nhà nước cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp (nhu cầu) và cơ sở đào tạo đại học (nguồn cung) để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Đồng thời, Đại học Quốc gia TPHCM cần kiến nghị các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nghiên cứu sâu cho từng địa phương về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm dự báo và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị Đại học Quốc gia TPHCM cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ các cơ sở giáo dục đại học tại khu vực Đông Nam Bộ về nhu cầu bồi dưỡng cho giảng viên các kỹ năng chuyên sâu để giảng viên có thể lồng ghép các kỹ năng đó vào chương trình đào tạo, bài giảng của mình. Việc bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên thông qua tổ chức các hội thảo, tập huấn hoặc lập đề án tăng cường kỹ năng chuyên sâu cho người học.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia TPHCM cần triển khai định kỳ các nghiên cứu khảo sát trên diện rộng cho cả khu vực về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm mục đích định hướng phát triển, quy hoạch ngành đào tạo trong hệ thống. Các trường đại học ở Đông Nam Bộ cần tăng cường đào tạo sau đại học chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội.

Theo dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/12023 tại TPHCM của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, thị trường lao động những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Song để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng cao; dự kiến trong quý IV/2023 cần khoảng 75.500 - 81.500 nhân sự.

Nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại, dịch vụ chiếm hơn 70% tổng nhu cầu nhân lực; công nghiệp, xây dựng hơn 29%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 0,18%. Về trình độ, nhu cầu nhân lực lao động đã qua đào tạo chiếm 85,58%; trong đó trình độ đại học trở lên chiếm hơn 20%.

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm hơn 14%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Diệu kỳ Điện Biên

GD&TĐ - Có thể nói trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những đường chiến hào vây, đánh lấn đã trở thành kỳ tích huyền thoại.