Ngành Lưu trữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và khẳng định được vai trò và vị trí của ngành Lưu trữ học trong việc cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Lưu trữ học, Giáo dục & Thời đại đã có một buổi trò chuyện cùng với Tiến sĩ Đỗ Văn Học - Trưởng khoa, Khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Chương trình đào tạo cập nhật, đổi mới, phù hợp với thực tiễn làm việc
PV: Xin thầy cho biết về lịch sử hình thành của ngành Lưu trữ học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM
TS Đỗ Văn Học: Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM đào tạo ngành Lưu trữ học, trình độ đại học từ năm 1995, đào tạo ngành Lưu trữ học trình độ cao học từ năm 2014.
Sau gần 30 năm, Trường đã và đang đào tạo gần 5000 người học bậc đại học ở cả hệ chính quy và vừa làm vừa học; quy mô đào tạo được tổ chức trong một phạm vi rộng lớn ở TP. Hồ Chí Minh và tại các địa phương khu vực phía Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau; đã và đang đào tạo 08 khoá cao học ngành Lưu trữ học với hơn 60 học viên cao học.
Trong kế hoạch chiến lược phát triển, Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo về Lưu trữ học, Quản trị văn phòng có chất lượng cao của các tỉnh phía Nam và ở Việt Nam, có trình độ ngang tầm với các nước Đông Nam Á, đáp ứng nhu cầu của TP. Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam và Việt Nam. Khoa xây dựng môi trường học tập thân thiện, năng động, sáng tạo, có chất lượng giáo dục cao để mỗi người học đều có cơ hội học tập, nghiên cứu, phát triển tối đa năng lực, phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và tiềm năng theo triết lý giáo dục Toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa của Trường và Khoa đã xác định.
Niềm vui của sinh viên Lưu trữ học dự Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân |
PV: Thưa thầy, sinh viên sẽ học những khối lượng kiến thức nào khi theo học ngành Lưu trữ học?
TS Đỗ Văn Học: Về cấu trúc của chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học, có số lượng tổng cộng 120 tín chỉ, tổ chức giảng dạy trong 7 học kỳ (tương đương 3,5 năm), bao gồm các khối lượng kiến thức: Khối kiến thức giáo dục đại cương: giáo dục chính trị, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức khoa học tự nhiên; và kiến thức tự tích luỹ là ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng; và Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, gồm kiến thức là cơ sở ngành; kiến thức chuyên ngành và kiến thức tự chọn.
Về chuyên môn, ngành Lưu trữ học có mục tiêu về kiến thức và kỹ năng. Sinh viên có kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn một cách cơ bản; kiến thức chuyên môn và kiến thức bổ trợ, liên thông, liên ngành về lĩnh vực văn thư, lưu trữ nhằm giúp người học sau khi tốt nghiệp có thể trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn của ngành học; tham mưu và giúp lãnh đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác văn thư, công tác lưu trữ; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường có đào tạo về lĩnh vực văn thư, lưu trữ.
Thêm vào đó, ngành còn đào tạo kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ thực hiện các công việc văn phòng, văn thư và lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Điểm nhấn về chuyên môn trong đào tạo ngành Lưu trữ học của Khoa hiện nay là thực hiện việc chuyển đổi số theo nhu cầu của xã hội trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học và sự phát triển của thực tế đất nước.
PV: Đào tạo gắn với thực hành sẽ được thực hiện như thế nào, thưa thầy?
TS Đỗ Văn Học: Tại Trường ĐH KHXH&NV, sinh viên ngành Lưu trữ học sẽ được thực hành trong hai nhóm môn học như:
Nhóm thứ nhất, số môn học kết hợp lý thuyết và thực hành. Theo chương trình đào tạo, những môn học kết hợp lý thuyết với thực hành, ngoài tín chỉ lý thuyết phải có tối thiểu 1 tín chỉ thực hành, bằng 30 tiết. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy một số môn học, giảng viên sẽ tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế chuyên môn của môn học tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Nhóm thứ hai, thực hành toàn diện về chuyên môn ngành học thông qua thực tập thực tế. Trong chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học có 2 học phần thực tập, với tổng số 8 tín chỉ và được tổ chức đi thực tập thành 2 đợt, mỗi đợt khoảng từ 6 đến 8 tuần tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp ở Trung ương và các địa phương.
Ngoài ra, đối với mỗi khoá học, Khoa sẽ tổ chức một chuyến đi tham quan, khảo sát chung về công tác văn phòng, văn thư, lưu trữ tại một số cơ quan ở Trung ương và địa phương từ 5 đến 10 ngày, có sự tham gia, đồng hành trực tiếp của các giảng viên trong Khoa.
Cơ hội làm việc đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ đủ các yếu tố về tố chất, kiến thức, kỹ năng
Lễ chào đón Tân sinh viên khoá 2020 – 2024 khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng |
PV: Được biết, ngành Lưu trữ học đang được ứng dụng tốt trong các lĩnh vực nghề nghiệp. Vậy, cử nhân ngành có thể làm tốt những công việc như thế nào?
TS Đỗ Văn Học: Cử nhân ngành Lưu trữ học có thể làm việc ở các vị trí như:
Lưu trữ viên trong các Lưu trữ lịch sử (Trung tâm lưu trữ quốc gia, Trung tâm lưu trữ lịch sử ở các tỉnh), các Lưu trữ chuyên ngành (quân đội, công an, điện lực, tài nguyên – môi trường… từ cấp huyện trở lên) và Lưu trữ cơ quan của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
Chuyên viên văn thư, chuyên viên văn phòng trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác;
Có khả năng nghiên cứu, học tập, phát triển thành giảng viên tại các cơ sở đào tạo về văn thư, lưu trữ tại các trường đại học; nghiên cứu viên tại các cơ sở nghiên cứu về công tác văn thư và công tác lưu trữ.
Điểm đặc biệt là tính mềm dẻo của chương trình đào tạo giúp sinh viên khi đi làm ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác nhau, sau khi bổ túc thêm chuyên môn mới sẽ có thể làm việc chuyên môn thuộc chứcc năng, hoạt động của cơ quan tuyển dụng như: toà án, viện kiểm sát, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất,…
PV: Để theo học ngành Lưu trữ học, các bạn trẻ cần có những tố chất nào, thưa thầy?
TS Đỗ Văn Học: Nhìn chung, tố chất cần có đối với người học ngành Lưu trữ học là phải luôn luôn có niềm đam mê, ý chí học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để liên tục cải tiến, làm việc tốt hơn. Đồng thời, người học cũng cần phải có tố chất tự chủ, chịu trách nhiệm với công việc được phân công; có khả năng truyền đạt, làm việc nhóm; có khả năng vận dụng, đổi mới, sáng tạo kiến thức, kỹ năng được học vào thực tế làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
PV: Để thành công trong công việc, chuyên môn là một phần quan trọng nhưng cũng sẽ cần những kỹ năng khác để có thể phát huy tốt chuyên môn. Theo thầy, sinh viên cần phải trau dồi những kiến thức và kỹ năng nào nữa khi học ngành này?
TS Đỗ Văn Học: Sinh viên mới ra Trường, trước hết phải coi trọng kiến thức và kỹ năng chuyên môn của ngành học. Nhu cầu của nhà tuyển dụng đối với ứng viên tuyển dụng trước hết cũng chính là kỹ năng chuyên môn.
Tuy nhiên, để có thể phát huy tốt kiến thức và kỹ năng chuyên môn và ngày càng trưởng thành trong sự nghiệp, sinh viên cần trau dồi kiến thức và kỹ năng nhân sự như kỹ năng giao tiếp trong hoạt động quản lý, văn hoá công sở, tâm lý học quản lý,….; và kỹ năng tư duy như: tư duy sáng tạo, tư duy phản biện, tư duy quản lý… khi theo học ngành Lưu trữ học.
PV: Lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đã tìm hiểu và yêu thích ngành Lưu trữ học để thực hiện đam mê và thành công?
TS Đỗ Văn Học: Các bạn trẻ đã theo học ngành Lưu trữ học phải hiểu thấu đáo về ngành học (kiến thức) và vận dụng thành thạo (kỹ năng) vào thực tế làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Từ đó, có cơ sở để củng cố và gia tăng niềm đam mê, ý chí học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng và tính trách nhiệm đối với công việc được giao. Có như vậy, các bạn học ngành Lưu trữ học sẽ chắc chắn có được những kỹ năng để dành được các mục tiêu trong nghề nghiệp như mong đợi.
Trân trọng cảm ơn ông!