(GD&TĐ)-Học ngành Tâm lý học trường học đòi hỏi sự say mê và nỗ lực vì nó hay và hấp dẫn bởi có nhiều thách thức; tuy nhiên nó cũng vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi nó tham gia, góp phần thúc đẩy sự khỏe mạnh và hạnh phúc về mặt tinh thần cho con người. Để giúp các thí sinh hiểu hơn về ngành học KHXH mới mẻ, hấp dẫn này, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại Online đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trần Quốc Thành - trưởng khoa Tâm lý giáo dục- trường ĐHSPHN và PGS.TS Trần Thị lệ Thu, trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, khoa Tâm lý giáo dục- trường ĐHSPHN.
PV.Là một ngành học mới mẻ nên nhiều thí sinh còn chưa hiểu hết ngànhnày được đào tạo như thế nào, ứng dụng ra sao trong cuộc sống, PGS có thể giúp các thí sinh những thông tin trên?
PGS. TS. Trần Quốc Thành: Tâm lý học trường học (TLHTH) hay còn gọi là tâm lý học học đường là một ngành đào tạo mang tính ứng dụng. Các em sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia công việc phòng ngừa, phát hiện và can thiệp những khó khăn tâm lý cho trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trong các lĩnh vực như học tập, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội; đồng thời các em cũng có thể tham gia làm việc và tiếp tục học tập, phát triển để nâng cao trình độ trong các lĩnh vực tâm lý học ứng ứng dụng chuyên sâu khác nếu các em chưa muốn hoặc không còn hứng thú với ngành Tâm lý học trường học.
PGS.TS Trần Quốc Thành tại buổi tổng kết khóa đào tạo GV ngành TLHTH. Ảnh: gdtd.vn |
Có thể nói, sau khi ra trường sinh viên sẽ trở thành các chuyên viên tâm lý học học đường; họ sẽ tham gia vào một trong những mảng công việc rất lớn và đặc biệt có ý nghĩa đó là sàng lọc, đánh giá, phát triển và tư vấn thực hiện các chương trình phòng ngừa khó khăn, rối nhiễu tâm lý ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành. Nói một cách đơn giản là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; khác với y học “bệnh” ở đây ngụ ý là các khó khăn và rối nhiễu tâm lý, tinh thần có thể xảy ra hoặc đã xảy ra ở con người để nó không xảy ra và nếu đã xảy ra thì can thiệp để nó biến chuyển tốt dần chứ không nặng/tồi hơn; ví dụ như: phòng ngừa bạo lực học đường, phòng ngừa stress trong học tập/thi cử, phòng ngừa lo âu trong quan hệ/giao tiếp, phòng ngừa bắt nạt học đường, phòng ngừa khó khăn và rào cản trong học tập,...Nói cách khác là chuyên viên tâm lý học đường sẽ tham gia vào việc làm mạnh mỗi trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành để họ có sức mạnh ứng phó với những gì có thể hoặc đã và đang xảy ra trong đời sống tinh thần, trí tuệ của mình.
PV.Hiện những trường nào có đào tạo ngành học này thưa PGS?
PGS. TS. Trần Quốc Thành: Hiện nay trong cả nước chỉ có một địa chỉ đào tạo chuyên sâu về ngành TLHTH là Khoa Tâm lý Giáo dục thuộc trường Đại học SPHN.
Khoa Tâm lý- Giáo dục là nơi có nền tảng vững chắc về khoa học Tâm lý và khoa học Giáo dục, với thâm niên đào tạo và nghiên cứu về TLGD trên 45 năm; nên đây là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo TLHTH đầu tiên trong cả nước. Khoa có bề dày trong hợp tác quốc tế để đặt nền móng cho lộ trình phát triển của ngành đào tạo thực hành rất khó khăn nhưng mang đậm tính nhân văn này. Khoa đã thực hiện nhiều dự án và nghiên cứu liên kết quốc tế với các cơ sở phát triển mạnh về TLHTH ở cả Châu Âu và Mỹ. Chương trình đào tạo đang thực hiện có nhiều điểm tương đồng với chuẩn quốc tế quy định.
PV. Đầu vào ngành Tâm lý học đường ra sao? Thái độ của xã hội với ngành học này như thế nào (có thể qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh)?
PGS.TS Trần Thị lệ Thu. Ảnh: gdtd.vn |
PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu: Như mọi ngành học khác của trường ĐHSPHN, các em thi đầu vào đúng theo quy định, khối thi là B và D. Hai khóa đầu tiên do nhiều thí sinh và cộng đồng chưa hiểu về ngành học này nên số lượng đăng ký còn ít, từ khóa thứ 3 trở đi số lượng tăng gấp đôi. Hiện nay có 18 em sinh viên năm thứ 4 (thuộc khóa 1) đang thực hành nghề để chuẩn bị ra trường, khóa 2 có 12 sinh viên, khóa 3 có 39 sinh viên, khóa 4 có 31 em.
Xã hội và cộng đồng dần dần hiểu hơn về vai trò ngành học này, vì thực tế nhu cầu trợ giúp tâm lý/tinh thần ngày càng tăng. Số vụ tự tử, bạo lực, bắt nạt học đường, lạm dụng chất kích thích, nghiện game, .. có nguy cơ xảy ra không ít trong môi trường học đường; trước thực tế đó nhận thức của nhà trường và cộng đồng về tầm quan trọng của lĩnh vực tâm lý học trường học cũng đang dần thay đổi.
Giống như lĩnh vực y học, không thể phòng hay chữa bệnh thể chất tốt nếu chỉ dùng kinh nghiệm và các thầy lang vườn; mà cần phải có các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu. Chuyên viên tâm lý học đường cũng như vậy họ chỉ khác bác sĩ trong bệnh viện là họ tập trung chính vào lĩnh vực sàng lọc, phòng ngừa, can thiệp và trị liệu tinh thần, tâm trí của con người.
PV. Những thí sinh nào thích hợp thi vào ngành học này?
PGS. TS. Trần Quốc Thành: Những em có đủ tri thức và năng lực nền tảng để tham gia học tập ở bậc cao hơn phổ thông; đặc biệt phải có tình yêu đối với lĩnh vực, có mong muốn giúp đỡ, trợ giúp người khác; có sức khỏe thể chất tốt, có sự vững vàng về tâm trí.
PV. PGS có lưu ý gì đối với những thí sinh mong muốn dự thi vào học ngành Tâm lý học đường của trường ĐHSP Hà Nội?
PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu: Nếu chỉ học để có tấm bằng đại học thì các em nên xem xét trước khi đăng ký, nếu chỉ học để chữa bệnh tinh thần cho chính mình thôi thì cũng không nên thi vào. Ngành học này đòi hỏi sự say mê và nỗ lực vì nó hay và hấp dẫn bởi có nhiều thách thức; tuy nhiên nó cũng vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi nó tham gia, góp phần thúc đẩy sự khỏe mạnh và hạnh phúc về mặt tinh thần cho con người.
PV. Nhà trường có những hoạt động giúp đỡ sinh viên tìm việc sau khi ra trường không, thưa PGS? Triển vọng việc làm của ngành này ra sao?
PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu: Ngay trong 4 năm đào tạo các em đã được tham gia nhiều hoạt động thực hành thuộc từng môn học, các em được xuống trường học, đến các cơ sở giáo dục để áp dụng kiến thức ngay vào thực tiễn; đây là một kênh tìm việc đầu tiên. Ngoài ra Khoa có một mạng lưới các cơ sở đào tạo và giáo dục- những nơi đã tham gia nhiều hoạt động ứng dụng và đào tạo tại trường ĐHSPHN, đây là những địa chỉ tốt để các em tìm việc- thực tế trong đó đã có 6 cơ sở đợi tuyển sinh viên khóa 1 vào tháng 6 tới khi các em tốt nghiệp. Các thầy cô đang thực hiện đào tạo các em, đồng thời cũng tham gia tư vấn, tham vấn trong nhiều cơ sở, trường học,... các thầy cô cũng chuẩn bị giới thiệu các em cho những nơi này.
Một loạt các bài báo khoa học đã đăng tải trong những hội thảo quốc tế và trong nước, một loạt các bài báo về TLHTH cũng đã đăng trên các trang báo điện tử để đưa thông tin tới cộng đồng. Nhằm giúp họ nhận thấy và có nhu cầu sử dụng các chuyên viên tâm lý này.
PV. PGS nhận định thế nào về triển vọng của ngành TLHTH?
PGS. TS. Trần Quốc Thành: Chúng tôi tin tưởng ngành TLHTH sẽ phát triển, ngành học này rất thực tiễn và có ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân mà đối với cả xã hội; chuyên viên TLHTH sẽ hiện diện và tham gia cùng nhà trường trong quá trình phát triển và thúc đẩy bầu không khí giáo dục- dạy và học tích cực trong học đường. Hiện nay nhiều sinh viên muốn đăng ký học cao học và tiến sĩ TLHTH, cũng bởi nhu cầu xã hội ngày càng tăng, các em cần kinh nghiệm, kiến thức sâu hơn bậc đại học để có thể trợ giúp tâm lý hiệu quả hơn. Chính vì vậy Khoa và trường cũng sẽ phát triển lĩnh vực đào tạo này ở bậc cao hơn để đáp ứng nhu cầu xã hội. Các thư yêu cầu hỗ trợ thành lập phòng Tâm lý học đường trong trường học gửi về khoa cũng tăng dần, khoa sẽ đầu tư để thành lập những cơ sở này. Đây cũng sẽ là nơi để các sinh viên tham gia thực hành nghề.
PV. Xin cảm ơn hai PGS!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)