Buổi đối thoại có sự tham gia của các khách mời gồm ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân TP; ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&Đ TP; nhà giáo Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) và nhà giáo Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4).
Các khách mời tham gia buổi đối thoại trực tiếp tại VOH |
Liên quan đến vấn đề đổi mới trong dạy, học đã và đang được thực hiện tại các trường hiện nay, nhà giáo Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết, để xây dựng môi trường học tập tích cực cho học sinh, ngoài việc tạo môi trường cơ sở vật thuận lợi như phòng học, bàn ghế thì nhà trường cũng phải xây dựng môi trường tinh thần gồm các mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên và môi trường giao tiếp thân thiện, hợp tác giúp trẻ cảm thấy yêu trường, mến lớp, thúc đẩy tinh thần học tập tích cực của học sinh.
Trong giảng dạy, giáo viên phải làm sao để học sinh được cuốn hút vào các hoạt động do giáo viên tổ chức và hướng dẫn, thông qua đó chủ động khám phá những điều các em chưa rõ chứ không phải tiếp thu tri thức do giáo viên truyền thụ một cách thụ động, áp đặt.
Việc triển khai các hoạt động theo phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh có hứng thú với học tập, có khả năng chủ động, sáng tạo và năng lực tự học, biết áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Học sinh tiểu học trong giờ sinh hoạt CLB Robotics |
Chia sẻ về định hướng đổi mới dạy học trong năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm học 2018-2019, TP tăng hơn 67.000 học sinh. Ngoài việc đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo tất cả đơn vị trường học phải đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các mô hình tiên tiến trên thế giới, không gò bó chương trình giảng dạy theo nội dung sách giáo khoa.
Thay vào đó, giáo viên có thể chủ động thời gian dạy học, tổ chức các hoạt động, phương pháp đảm bảo học sinh tiếp thu tri thức theo các phương pháp dạy học tích cực, chuyển từ trang bị kiến thức sang rèn luyện phát triển tư duy, tạo cơ hội cho học sinh thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn. Trong đó, hai môn tiếng Anh và Tin học đều đổi mới theo hướng tăng cường, áp dụng phương pháp và các chuẩn đánh giá quốc tế, đảm bảo hai tiêu chí hiện đại và hội nhập.
Về mô hình trường học tiên tiên theo xu thế hội nhập khu vực, quốc tế, đại diện Sở GD&ĐT thông tin, mô hình trường tiên tiến, được triển khai đầu tiên tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) hơn 10 năm nay.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn báo cáo dự án dạy học theo phương pháp GD STEM |
Mô hình có các ưu điểm như sĩ số lớp học giới hạn, học anh văn với giáo viên bản ngữ, học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, thiết kế bài giảng linh hoạt, tổ chức nhiều hoạt động học tập bên ngoài nhà trường, giao lưu hợp tác quốc tế...
Với những kết quả tích cực đạt được, không ít tỉnh thành đã đến tham quan và học tập. Mô hình cũng được nhân rộng tại 2 trường THPT Nguyễn Du và Nguyễn Hiền. Hiện nay, chương trình cũng đang nghiên cứu triển khai tại các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đây cũng là cơ sở để các trường hướng đến tự chủ toàn phần.
Xung quanh trao đổi của phụ huynh về việc khan hiếm SGK trước thềm khai giảng năm học mới (nhất là ở tiểu học), ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo tất cả phòng GD&ĐT ở 24 quận, huyện kịp thời nắm bắt tình hình học sinh và nhu cầu của phụ huynh để phối hợp với các đơn vị, đưa sách xuống tận cơ sở để đáp ứng nhu cầu mua SGK của phụ huynh, nhất là với các trường ở huyện ngoại thành.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP cũng khuyên phụ huynh không nên quá lo lắng vì tất cả trường học đã được Sở chỉ đạo không được yêu cầu học sinh có đẩy đủ trọn bộ SGK ngay ngày học đầu tiên của năm học mới, học sinh nào chưa có đủ sách vẫn có thể tham gia các hoạt động học tập bình thường trên lớp. Đồng thời nỗ lực không để một học sinh nào đến trường ngày khai giảng không có SGK.