Lắng nghe tiếng nói phụ huynh, học sinh

GD&TĐ - “Ngành giáo dục TPHCM sẽ tăng cường các kênh giao tiếp, lắng nghe tiếng nói của phụ huynh, học sinh, đồng thời có nhiều giải pháp sàng lọc để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên trong thời gian tới”.

Ngành giáo dục TPHCM quyết tâm lấy lại hình ảnh người Thầy
Ngành giáo dục TPHCM quyết tâm lấy lại hình ảnh người Thầy

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM tại buổi Đối thoại cùng chính quyền TPHCM sáng nay (28/4) do Hội đồng Nhân dân TPHCM phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM thực hiện.

Xây dựng các giá trị nhân văn trên nền tảng Gia đình - Nhà trường - Xã hội   

Tại buổi đối thoại, bà Thi Thị Tuyết Nhung- Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng:  TPHCM đang đứng trước nhiều áp lực như tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu giảng dạy ngày càng tăng cao ở các quận, huyện, sĩ số học sinh /lớp cao so với quy định của Bộ GD&ĐT và các vấn đề nảy sinh trong nhà trường.

Từ thực tế cùng những đòi hỏi ngày càng cao từ phía phụ huynh, học sinh bà Nhung cho rằng, mọi người cần nhận diện các vấn đề từ nhiều khía cạnh. Trong đó, sự kỳ vọng của gia đình, dòng họ lên mỗi học sinh là một trong các nguyên nhân chính gây áp lực tâm lý cho chính các em học sinh, giáo viên và nhà trường. Vì vậy, theo bà mọi người cần phải có cái nhìn chia sẻ hơn.  

Tiến sĩ Võ Văn Nam- Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cũng đồng tình quan điểm với bà Nhung khi cho rằng, những sự việc đáng tiếc vừa qua tuy chỉ là cá biệt, nhưng ít nhiều nó là "điểm đen" che khuất những thành tựu đáng tự hào của ngành giáo dục TPHCM, khiến cho một bộ phận bi quan về giáo dục. Vì vậy, theo Tiến sĩ Nam, muốn có một môi trường giáo dục tốt, chuẩn mực và an toàn thì mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội phải được duy trì thật tốt.

“Chúng ta là phụ huynh, chỉ có từ 1 – 2 con mà chúng ta còn không theo con một cách sâu sát để kịp thời tháo gỡ những bức xúc nổi cộm, bất ngờ xuất hiện trong tâm lý của con. Huống hồ thầy cô phải đối diện với hàng chục, hàng trăm em học sinh thì làm sao có thể sâu sát các em một cách đầy đủ. Cho nên, phụ huynh không thể trăm sự nhờ thầy, đổ lỗi hết cho thầy cô được” - Tiến sĩ Nam nói.

Các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tại buổi đối thoại
Các chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tại buổi đối thoại

Khôi phục hình ảnh người Thầy trong mắt học sinh

Đó là điều mà nhiều độc giả là các bậc phụ huynh tại buổi đối thoại mong muốn ngành giáo dục TPHCM cần sớm làm ngay để ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh.

Bà Trương Thị Hương Lan (Phường 25, quận Bình Thạnh) - một phụ huynh trăn trở đặt câu hỏi: Biết bao giờ cô giáo có thể điều chỉnh thái độ ứng xử, để hình ảnh cô giáo đứng trên bục giảng trở về với giá trị nhân văn? Cô giáo như hình mẫu cho học trò, cô giáo là người mẹ thứ hai?  

Chia sẻ với những băn khăn và âu lo của bậc phụ huynh Hương Lan, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đồng tình và chia sẻ. Ông cho biết, về căn cơ ngành giáo dục buộc phải có kênh lắng nghe từ học sinh, từ phụ huynh. Đó là sự phối hợp của các đơn vị trường học, của Sở GD&ĐT.

“Hiện nay, hàng tuần lãnh đạo Sở GD&ĐT đều có lịch để tiếp dân để lắng nghe phản ánh trực tiếp từ người dân. Tuy nhiên, có những sự việc ngành chưa nắm bắt kịp thời ngay từ đầu nên khiến hình ảnh người thầy bị nhuốm màu trước mắt học sinh.  Vì vậy, sắp tới ngành giáo dục TPHCM sẽ có giải pháp hạn chế vấn đề này.

Cụ thể, đối với các giáo viên trong năm đầu tiên tuyển dụng sẽ trải qua các buổi kiểm tra, dự giờ, đánh giá. Nếu không đạt hiệu quả sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy. Đây được xem là cách sàng lọc của TPHCM để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên” - ông Hiếu khẳng định.  

Từ thực tế đơn vị trường học, ông Phạm Quang Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh chia sẻ rằng thực tế học sinh hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực. Các em không chỉ chịu áp lực phải có kết quả học tập giỏi để có việc làm tốt, áp lực từ cha mẹ (gia đình), mà còn áp lực từ chính thành tích của giáo viên.

Vì vậy, vị hiệu trưởng ngôi trường vùng ven TPHCM nhắn gửi phụ huynh rằng, không nên đặt áp lực quá lớn lên học sinh, giáo viên đừng quá vì chỉ tiêu thành tích của mình mà để xảy ra những việc đáng buồn như thời gian qua.

Tán đồng những chia sẻ của thầy Hiếu, bà Thi Thị Tuyết Nhung tin tưởng đại bộ phận giáo viên hiện nay vẫn tận tâm, yêu nghề. Vì vậy, theo bà để lấy lại niềm tin của xã hội, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đặc biệt tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường.

“Điều quan trọng là làm sao xây dựng được mối quan hệ giữa Ban giám hiệu với giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Giữa giáo viên và học sinh.

Chúng ta hướng tới xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, thì trong môi trường  đó phải có sự quan tâm đầy đủ, trách nhiệm của giáo viên tới từng học sinh, của từng phụ huynh đối với con em mình.

Cái chính là để cùng nhau kiến tạo một môi trường giáo dục an toàn, một xã hội lành mạnh để các em phát triển một cách toàn diện. Có như thế niềm tin của xã hội dành cho ngành mới chắc chắn hơn” - bà Nhung lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.