Theo đó, quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về Đa dạng sinh học (CBD); Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Luật Đa dạng sinh học; Luật Bảo vệ rừng; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đến cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động, giáo dục tới cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh nhằm nâng cao nhận thức về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học, lên án các hành động buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã; khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; tạo dư luận và áp lực xã hội lên án hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn bán động, thực vật hoang dã, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học…
Tổ chức mít tinh, các chiến dịch truyền thông, các ngày hội ra quân và các hoạt động cụ thể, thiết thực trong khuôn khổ “Tháng hành động vì môi trường” hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2016 như: Tổ chức Lễ Mít tinh, các cuộc thi, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn trường học; tổ chức các chiến dịch trồng cây xanh, trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu...;
Giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc,tồn đọng trên địa bàn trường học; diễu hành, cổ động bảo vệ môi trường và các hoạt động thiết thực khác; thực hiện treo băng rôn, panô, áp phích, khẩu hiệu về chủ đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã nhân sự kiện Ngày Môi trường thế giới năm 2016 tại các nơi công cộng, các tuyến đường chính, tại trụ sở cơ quan, nơi đông người qua lại.
Phát động phong trào trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường, tạo cảnh quan môi trường xanh đẹp, trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, những khu vực công cộng xung quanh trường.
Tăng cường các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã thông qua việc tích hợp/lồng ghép các kiến thức về giáo dục bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với con người, chống buôn bán động vận hoang dã và những việc cần làm để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hướng tới cộng đồng vì bảo vệ môi trường: các chương trình giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục bảo tồn cho cộng đồng …
Tăng cường đưa tin, bài viết, phóng sự, chuyên trang, chương trình cổ động, tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Môi trường thế giới, chủ đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã trên các tạp chí, website của đơn vị.
Biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, đơn vị có nhiều thành tích trong bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã… nhân sự kiện Ngày Môi trường Thế giới. Đối với những trường hợp xuất sắc, lập hồ sơ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trao tặng Bằng khen.
Ngày 5/6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Đây là sự kiện môi trường quốc tế thường niên được Việt Nam hưởng ứng từ năm 1982 và đã trở thành phong trào rộng khắp phạm vi cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất.
Thông qua đó, huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các động vật trên thế giới.
Việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã không chỉ làm suy thoái hệ sinh thái, cướp đi những di sản mà còn đẩy những giống loài đến gần sự tuyệt chủng. Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã cũng là góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và an sinh xã hội.