Ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình thiệt hại nặng nề sau lũ

GD&TĐ - Đợt mưa lũ lịch sử đã làm hầu hết, các trường học, trung tâm và cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng về người, tài sản, cơ sở vật chất trường, lớp học; nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành bị thiệt hại về nhà cửa, phương tiện, trang thiết bị gia đình...

Học sinh vùng lũ Quảng Bình đang cần các loại sách vở và đồ dùng học tập sau lũ
Học sinh vùng lũ Quảng Bình đang cần các loại sách vở và đồ dùng học tập sau lũ

Những con số đau lòng

Cho đến thời điểm này (19/10), tại Quảng Bình có 7 em học sinh các cấp học bị chết do nước lũ, trong đó 3 em ở huyện Bố Trạch còn lại các huyện Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới, Quảng Ninh. Nhiều trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn chưa thể trở lại học bình thường. Thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 110 tỷ đồng.

100% trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn bị ảnh hưởng, trong đó, có 70% trường và cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử các đoàn công tác về tận các đơn vị trường học bị ảnh hưởng ngập lụt nặng để thăm hỏi, hỗ trợ tiền và kịp thời động viên các gia đình gặp nạn, bị hư hại tài sản, tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Tổng thiệt hại toàn Ngành, ước tính trên 105 tỷ đồng, trong đó: khối trực thuộc Sở  25 tỷ đồng; khối Phòng GD&ĐT huyện, TP 80 tỷ đồng.

Mặc dù đã chủ động ứng phó với bão lũ nhưng do nước lũ lên nhanh đã làm hư hỏng một số phòng học, phòng chức năng, nhà nội trú giáo viên và học sinh của các trường học, làm ướt và hư hỏng trên 60 tủ đựng hồ sơ, trên 2.500 bộ bàn ghế; trên 450 máy vi tính; trên 100 máy in, 50 máy phô tô.

Riêng số sách giáo khoa, vở, thiết bị giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh bị ướt, hư hỏng: trên 50.000 bộ (SGK) và gần 30.000 bộ (thiết bị).

Hậu quả của cơn lũ lịch sử này đối với ngành giáo dục là chưa thể khắc phục được nhưng ngay sau khi nước rút, cán bộ giáo viên, nhân viên của ngành đã nỗ lực hết sức nhằm dọn dẹp vệ sinh môi trường để đón học sinh đến trường sớm nhất cho dù nhiều gia đình cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và đào tạo đang gặp nhiều khó khăn do nhà cửa, tài sản, vật dụng gia đình bị hư hỏng...

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Ngoài câu chuyện khối tài sản cơ sở vật chất của các đơn vị bị thiệt hại không thể ngày một ngày hai khắc phục thì ngành giáo dục lại đối diện với câu chuyện học sinh các vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề có nguy cơ bỏ học là rất cao. Đây chính là khó khăn tác động trực tiếp đến ngành giáo dục Quảng Bình trong thời gian tới.

Ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình - cho hay: Hậu quả của đợt lũ vừa qua gây cho ngành giáo dục Quảng Bình những thiệt hại đáng kể về cơ sở vật chất và con người. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình sẽ nỗ lực hết sức để sớm khắc phục và đưa học sinh trở lại trường.

Dự kiến đến ngày 21/10 thì tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn sẽ trở lại giảng dạy, học tập bình thường. Các đơn vị sẽ chủ động để dạy bù cho học sinh để đảm bảo chương trình của bộ GD&ĐT đã đề ra.

Trước những khó khăn đó, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã đề xuất với UBND tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng phòng học, phòng chức năng, xây hàng rào, sửa chữa sân bãi, mua sắm các thiết bị dạy học, máy vi tính, máy in, máy photo, SGK.... nhằm sớm ổn định việc dạy và học cho các trường thiệt hại nặng;

Đồng thời, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cũng mong muốn Bộ GD&ĐT quan tâm hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, sách vở, dụng cụ học tập, đồ dùng, đồ chơi… kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng, khắc phục hậu quả mưa lũ trở lại hoạt động dạy và học bình thường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...