Ngành Giáo dục Quảng Bình xác định 15 nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ 2

GD&TĐ - Học kỳ 1, ngành Giáo dục Quảng Bình đã triển khai bài bản, hiệu quả chương trình GDPT 2018 và đạt được kết quả tích cực.

Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ 1. (Ảnh: Đặng Tài).
Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ 1. (Ảnh: Đặng Tài).

Ngày 6/2, Sở GD&ĐT Quảng Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2, năm học 2022-2023.

Đảm bảo điều kiện giảng dạy chương trình GDPT 2018

Học kỳ I, năm học 2022-2023, bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, căn cứ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với GDMN, GDPT và GDTX trong toàn tỉnh; Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Đến nay, quy mô trường, lớp, học sinh cơ bản được giữ vững. Toàn tỉnh có 577 cơ sở GDMN, GDPT và GDTX, với hơn 245 nghìn học sinh.

Ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành trong học kỳ qua. (Ảnh: Đặng Tài).

Ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh những kết quả đạt được của ngành trong học kỳ qua. (Ảnh: Đặng Tài).

Trong học kỳ qua, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về giáo dục chính trị và công tác học sinh, bao gồm: công tác giáo dục chính trị, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.

Ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL. Tập trung rà soát, sắp xếp, cân đối giáo viên, nhân viên giữa các đơn vị để đảm bảo phục vụ các hoạt động dạy học của các đơn vị.

Thực hiện hiệu quả chương trình GDMN, GDPT và GDTX. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 3, Chương trình GDPT 2006 đối với lớp 4 và lớp 5. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục và kế hoạch bài dạy theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Triển khai thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học môn tiếng Anh, Tin học. Tập trung đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học nhằm phát triển tối đa phẩm chất, năng lực học sinh.

Ngành Giáo dục đã tổ chức thành công các kỳ thi: Kỳ thi chọn đội tuyển dự thi chọn HS giỏi quốc gia năm học 2022-2023, Kỳ thi chọn HS giỏi lớp 9, 12 cấp tỉnh năm học 2022-2023, Kỳ thi nghề phổ thông năm học 2022-2023...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT đã đạt được những thành quả đáng kể. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và dạy học tại các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý ngày càng phát triển.

Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm. Mặc dù điều kiện khó khăn do dịch bệnh nhưng các đơn vị đã tập trung đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kết quả phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc, được Bộ GD&ĐT kiểm tra và công nhận 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.

Đại diện các đơn vị giáo dục nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Đặng Tài).

Đại diện các đơn vị giáo dục nêu ý kiến tại hội nghị. (Ảnh: Đặng Tài).

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thiếu biên chế giáo viên, thực trạng học sinh bỏ học giữa chừng, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, thực hiện chương trình GDPT, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới…

Ngành cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế học sinh bỏ học, tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi, kỳ thi và tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cùng một số nhiệm vụ quan trọng khác.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Ngọc Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, học kỳ I năm học 2022-2023, năm học thực hiện chủ đề: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo”, ngành Giáo dục Quảng Bình triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện cơ bản thuận lợi. Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với ngành giáo dục; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên toàn ngành đã nỗ lực, tận dụng mọi điều kiện có thể để triển khai nhiệm vụ năm học và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ.

Đề ra 15 nhiệm vụ trọng tâm

Từ những nỗ lực và kết quả đạt được trong học kì I, Sở GD&ĐT xác định 15 nhiệm vụ trọng tâm trong học kì II.

Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ sở GDMN nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; phát huy sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo của các cơ sở GDMN trong triển khai nhiệm vụ năm học, thực hiện chương trình GDMN phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương.

Các cơ sở GDPT, GDTX chủ động, linh hoạt triển khai dạy học và các hoạt động giáo dục; đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; triển khai ôn tập, kiểm tra, đánh giá định kỳ nhằm hoàn thành kế hoạch giáo dục đảm bảo chất lượng, kết thúc năm học 2022-2023 đúng tiến độ theo khung thời gian quy định.

Nâng cao chất lượng giáo dục; duy trì sĩ số, hạn chế HS bỏ học; huy động HS bỏ học tham gia học nghề. Các phòng GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với các cơ sở dạy nghề để huy động và mở lớp đào tạo nghề sơ cấp cho học tốt nghiệp THCS; các trung tâm GDNN - GDTX mở thêm các lớp dạy chương trình GDTX - THPT.

Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh.

Chú trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện nhằm đảm bảo tổ chức các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tham gia cuộc thi KHKT học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2022-2023.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS. Thực hiện tốt nội dung giáo dục hướng nghiệp, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi HS. Các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với các trường đào tạo nghề làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh, cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở GDNN, chính sách đối với người học, chính sách ưu đãi trong GDNN, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, mức thu nhập, xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động.

Tập trung nguồn lực để đảm bảo tiến độ công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về GD&ĐT; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

áo lớp sơ mi Hải Anh