Ngành giáo dục: Nhìn thấu bất cập để có giải pháp phù hợp thời cuộc

GD&TĐ - Tuần qua, nội dung giáo dục thu hút quan tâm lớn của dư luận là phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của người đứng đầu ngành Giáo dục; Bộ GD&ĐT nêu 6 nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022,…

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

6 nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022

Trong tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với 63 sở GD&ĐT.

Nhận định việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của các địa phương qua nửa học kỳ 1 là nghiêm túc, thể hiện rõ tình thần chủ động, linh hoạt thích ứng điều kiện mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đưa ra 6 nội dung quan trọng thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Một là bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong điều kiện dịch bệnh. Trên cơ sở Bộ tiêu chí về an toàn trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, các địa phương xây dựng Bộ tiêu chí an toàn trường học cho các nhà trường; bảo đảm đủ các điều kiện mới đưa học sinh đến trường.

Hai là tiếp tục tổ chức dạy học linh hoạt theo từng cấp độ của dịch bệnh; từ đó triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch.

Ba là kiên trì mục tiêu chất lượng. Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt với các khối lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 6). Dạy học các môn tích hợp bảo đảm đúng theo logic của chương trình. Chất lượng dạy học trực tuyến phải được nâng lên.

Bốn là chuẩn bị đội ngũ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về chất lượng. Trong đó, đặc biệt lưu ý bố trí đủ giáo viên để dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023; nhất là giáo viên các môn Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3; giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10…

Năm là về thiết bị dạy học, Thứ trưởng yêu cầu địa phương quan tâm mua sắm thiết bị bảo đảm yêu cầu; không để xảy ra tình trạng thiết bị đến trường mà không ra lớp. Với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Bộ đã dự thảo đăng mạng và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới.

Sáu là nâng cao hiệu quả công tác quản lí, chỉ đạo điều hành. Về nội dung này, Thứ trưởng cho rằng, cần tăng cường quản trị trường học, bảo đảm yêu cầu kiểm soát được chất lượng, hướng tới xây dựng văn hóa chấ lượng trong nhà trường.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực GD-ĐT.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội. Giáo dục và đào tạo là nhóm vấn đề thứ 3 của Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này. 

Trước đó, ngày 5/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội. Báo cáo làm rõ các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo nằm trong phạm vi nội dung chất vấn của đại biểu.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn với cương vị đứng đầu ngành GD&ĐT chưa lâu, nhưng tỏ rõ sự tự tin, nắm cơ bản những vấn đề của ngành và lĩnh vực phụ trách, trả lời kỹ lưỡng các ý kiến mà đại biểu quan tâm.

Với dư luận xã hội, giáo giới và những người dành nhiều quan tâm cho GD-ĐT, người đứng đầu ngành giáo dục đã hết sức thẳng thắn, cầu thị, nhìn thấu những bất cập để đưa những giải pháp linh hoạt, phù hợp tình hình chung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giải trình, làm rõ các nội dung về: Bảo đảm chất lượng dạy - học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

Công tác dạy - học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình học cho học sinh.

Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học. Phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ/INT. (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)
Ảnh minh hoạ/INT. (Ảnh chụp trước dịch Covid-19)

Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức cho thanh niên, thiếu niên

Cũng trong tuần qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.

Mục tiêu của Chương trình nhằm tiếp tục tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng góp phần xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề cao.

Đồng thời, khơi dậy trong thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm đạt được mục tiêu chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ