Theo TS Trần Đình Lý, mặc dù mới nhận nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nắm các vấn đề của ngành rất chắc và sâu.
"Với tinh thần trách nhiệm rất cao trong sự chuẩn bị, phát biểu và định hướng tương lai, các vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lập luận, phản biện, thông tin đến đại biểu qua các con số (thông tin minh chứng rõ ràng, rất thật) đã để lại ấn tượng tốt cho nhiều cử tri.
Ngành giáo dục là ngành của toàn xã hội, tất cả đều dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo. Vì vậy, với sự thẳng thắn và sâu sát từng vấn đề của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tôi tin sự chuyển biến của ngành trong giai đoạn tới sẽ rất đậm nét", TS Lý nhận định.
Theo TS Trần Đình Lý, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng đã ảnh hưởng đến ngành rất lớn. Tuy vậy, mọi tầng lớp nhân dân đều cảm thông và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục phải đối mặt.
Sự chủ động gỡ khó trong các chính sách, chủ trương của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua nhằm giúp học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học đã chứng minh rất rõ vai trò và trách nhiệm của các vụ, cục và Bộ GD&ĐT.
Thực tế bối cảnh mới cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, tác động đến việc phải thay đổi những chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Tôi hết sức chia sẻ với ngành và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khi trả lời câu hỏi liên quan đến 700 giáo viên mất phụ cấp 50% do thay đổi chính sách và đối tượng.
"Đây là vấn đề đòi hỏi sự xắn tay đầy trách nhiệm, am hiểu tình hình thực tế của liên Bộ, không phải dừng lại ở sự trăn trở mà đây là vấn đề các bộ, ngành phải cùng nhau tìm hiểu bản chất thực trạng, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, cập nhập.
Chúng tôi cho rằng việc Bộ GD&DT chủ động làm văn bản gửi Bộ Tư pháp, Ủy ban dân tộc để tham mưu cho Thủ tướng điều chỉnh trên tinh thần không để thiệt thòi cho giáo viên là việc hết sức nhân văn, hợp lý và trách nhiệm", TS Lý chia sẻ.
Không chỉ chủ động tháo gỡ, kịp thời đứng về phía giáo viên và học sinh trong nhiều tình huống, bối cảnh khó khăn, TS Trần Đình Lý còn ghi nhận sự sâu sát của Bộ GD&ĐT trên nhiều mặt khác như chính sách nhà giáo, quyền lợi học sinh, sự phối kết hợp với các bộ, ngành...
"Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên cũng đã được Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương đoàn TNCS HCM triển khai trong thời gian tri qua rất tốt và kịp thời. Nhiều chương trình mang tính chuyên môn cao về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được chú trọng và thực hiện nghiêm túc, không mang tính phong trào.
Ngoài việc nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của thầy, cô giáo, người đứng đầu ngành giáo dục cũng đã thể hiện mong muốn sự phối hợp hiệu quả với các địa phương, gia đình trong việc quản lý học sinh, sinh viên, đây là việc làm hết sức cấp thiết và đòi hỏi thường xuyên, bền vững", TS Lý cho biết.