Ngày 12/1, đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An tiếp tục trao quà tết cho học sinh và giáo viên khó khăn huyện miền núi cao Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông…
Niềm vui từ quà “tết sum vầy”
Sáng 12/1, tại Trường THCS Châu Kim, huyện Quế Phong, đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức trao 90 suất quà tết cho giáo viên và học sinh 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Đây là năm thứ 2 cô Vi Thị Lệ công tác tại Trường Mầm non Châu Kim và là lần đầu tiên được nhận quà tết từ ngành giáo dục. Trước đó, sau khi tốt nghiệp ra trường, cô Lệ đã trải qua 10 năm làm nhân viên hợp đồng ở nhiều đơn vị. Mãi đến năm 2021, cô mới nhận được vào biên chế nhân viên văn thư trường học. Tuy nhiên, cũng vì thời gian công tác còn ngắn, chưa hoàn thành bằng đại học, nên đến nay tổng lương và các khoản phụ cấp của cô chỉ 3 triệu đồng.
Chương trình trao quà tết của ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An tại Trường Tiểu học và THCS Châu Kim, huyện Quế Phong. |
Số tiền này chỉ vừa đủ xoay xở cuộc sống gia đình. “Công tác ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn vất vả là điều dường như đã quen thuộc. Điều tôi vui mừng đó là dù xa xôi nhưng ngành vẫn nhớ và quan tâm đến giáo viên vùng cao và đó là động lực để chúng tôi cố gắng và hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình”, cô Vi Thị Lệ chia sẻ.
Đến với xã Bắc Lý, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo đã mang đến gần 200 suất quà, trong đó, có 60 suất quà cho học sinh, 30 suất quà cho giáo viên đang công tác tại trường mầm non, tiểu học và THCS của xã. Bên cạnh đó, qua kết nối của ngành, Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Nghệ An cũng hỗ trợ 50 triệu đồng trao 100 suất quà cho bà con khó khăn của xã biên giới này.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An tặng quà tết giáo viên khó khăn xã Châu Kim, huyện Quế Phong. |
Qua các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên cũng chia sẻ, do là đơn vị sự nghiệp nên các nhà trường hầu như không có thưởng tết hay lương tháng 13. Mà nhà trường tiết kiệm chi tiêu và có quà tết động viên tinh thần giáo viên. Trường nhiều thì 500 – 600 nghìn đồng, trường ít thì 200 – 300 nghìn.
Cô Vi Thị Phượng nhà ở Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) và cũng công tác ngay tại trường mầm non của xã. Đây là một trong những xã đặc biệt khó khăn, xa xôi của huyện Con Cuông, có nhiều điểm trường lẻ và giao thông cách trở. Cô giáo trẻ người Thái chia sẻ, dạy học chăm sóc trẻ mầm non có nhiều vất vả mang tính đặc thù, nhưng bù lại cũng có nhiều niềm vui, tình cảm. Các cháu còn nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ ở vùng thuận lợi. “Bản thân tôi cũng sinh ra, lớn lên ở Thạch Ngàn nên gắn bó và mong muốn mình sẽ giúp các cháu nhiều hơn. Dịp gần tết, cô trò cùng được nhận quà, tôi thấy rất xúc động vì thấy dù ở xa xôi, vùng khó nhưng vẫn có sự quan tâm, thấu hiểu, đồng hành của lãnh đạo ngành giáo dục”, cô Vi Thị Phượng nói.
Đoàn công tác trao quà tết cho học sinh xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Đây là xã biên giới với học sinh là con em đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú... |
Nhiều năm nay, vào dịp Tết đến, ngành giáo dục đã dành hàng trăm triệu đồng đến trực tiếp tại các nhà trường trao tặng quà cho giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong hai ngày 11 và 12/1, đoàn đã trao gần 700 suất quà để tặng cho 180 giáo viên và 360 học sinh và 100 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở 6 huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng huy động và dành gần 600 triệu đồng tặng quà giáo viên và học sinh ở vùng đặc thù và các huyện, thành, thị khác. Tổng trị giá quà tặng tết mà ngành giáo dục huy động được là gần 1 tỷ đồng. Trong đó, gồm huy động đóng góp từ đội ngũ giáo viên trong toàn ngành, 120 triệu từ Quỹ Khuyến học tỉnh, 360 của tập đoàn TH và 50 triệu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tạo động lực cho trường học vùng khó vươn lên
Đến trực tiếp tại các Trường Tiểu học và THCS Châu Kim (Quế Phong), UBND xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), Trường THCS Tam Đình (Tương Dương) và Trường Tiểu học Chi Khê (huyện Con Cuông), lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận nỗ lực vượt khó của các nhà trường, giáo viên, học sinh trong dạy học.
Về phía các địa phương, dù điều kiện kinh tế khó khăn, vất vả nhưng chính quyền, các đoàn thể xã hội, Đồn biên phòng đều dành sự quan tâm đến giáo dục. Nhờ đó, cơ sở vật chất các nhà trường ngày càng đầy đủ, đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học.
Đoàn công tác trao quà cho học sinh khó khăn các cấp mầm non, tiểu học, THCS xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An. |
Đặc biệt nhiều trường học vùng cao, địa hình rộng, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đã triển khai mô hình bán trú hiệu quả. Qua đó đưa học sinh từ điểm lẻ từ trường chính để có điều kiện học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ông Thái Văn Thành cũng khẳng định, giáo dục miền núi luôn luôn là một trong những nội dung được tỉnh và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và luôn tạo mọi điều kiện để các nhà trường được hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và nhà nước, cũng như xây dựng một số chính sách riêng của tỉnh.
Trao quà cho giáo viên huyện Tương Dương, Nghệ An. Đây là huyện rộng lớn nhất tỉnh với nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi sinh sống của hầu hết bà con dân tộc thiểu số. |
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu để có thêm nhiều chương trình nhằm đầu tư xây dựng trường lớp, và triển khai mô hình bán trú ở cả ba cấp một cách bài bản, hiệu quả. Mục đích để học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng các chương trình giáo dục tiên tiến, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh toàn ngành thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện Chương trình GDPT 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị đội ngũ cán bộ quản lý, ngũ giáo viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Đặc biệt giáo viên cần tiếp cận với công nghệ thông tin, chuyển từ dạy học theo hướng tiếp cận kiến thức sang tiếp cận người học.
Đoàn công tác Sở GD&ĐT trao quà cho học sinh huyện vùng cao Con Cuông, Nghệ An. |
Để làm được điều này, các giáo viên cũng cần tận tậm, chịu khó nghiên cứu, vượt lên những khó khăn để thích ứng với hoàn cảnh. Ngoài ra, các nhà trường cũng cần thay đổi cách quản lý, cách làm giáo dục.
Nhắn nhủ các em học sinh vùng cao, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng mong muốn các em tới trường chuyên cần, chăm chỉ, nỗ lực cố gắng trong học tập và rèn luyện. Chỉ có con đường học tập mới giúp các em vươn lên trong cuộc sống, có tương lai rộng mở hơn, để sau này đỡ vất vả, thiệt thòi, thiếu thốn về kinh tế cũng như tiếp thu giá trị về tinh thần khác.