Ngành Giáo dục Đà Nẵng: Chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn

GD&TĐ - Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, ở điểm cầu Đà Nẵng do ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì. 

Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu.
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu.

Cách làm sáng tạo, hiệu quả

Năm học 2020-2021 bắt đầu trong bối cảnh bùng phát dịch tại TP Đà Nẵng, ngành Giáo dục đã chủ động phối hợp thực hiện Chương trình khai giảng năm học mới qua sóng truyền hình và trực tuyến qua internet.

Cuối năm học, dịch bệnh lại bùng phát khi học sinh chưa hoàn thành chương trình, Sở đã mạnh dạn vận dụng Thông tư của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quyết định việc hoàn thành chương trình bằng hình thức dạy - học trực tuyến. Kiểm tra cuối năm bằng cách giao bài về nhà đối với học sinh tiểu học và kiểm tra trực tuyến đối với học sinh THCS, THPT.

Sở GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua một số chính sách mới như: quy định mức thu học phí, học phí học lại đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc thành phố quản lí. Đặc biệt, Sở đang tham mưu thành phố ban hành Quyết định về khung thời gian năm học trên địa bàn thành phố…

Ngành GD&ĐT đã kịp thời phối hợp tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo việc tổ chức thành công 2 Kì thi quan trọng là Tuyển sinh lớp 10 THPT và Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ Quy chế thi và các quy định về công tác phòng chống dịch.

Đối với việc lựa chọn sách giáo khoa cho năm học 2021-2022, Ngành GD&ĐT đã sớm trình UBND thành phố phê duyệt quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK; thống nhất việc lựa chọn sử dụng 1 bộ SGK dùng chung cho toàn thành phố…

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Khó khăn phía trước

Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, chỉ còn vài ngày nữa sẽ bắt đầu năm học 2021-2022. Trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, Ngành GD&ĐT thành phố gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho năm học mới và tổ chức dạy học hiệu quả, nhất là đối với học sinh đầu cấp, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Hiện nay nhiều trường học được sử dụng làm khu cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19 nên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến việc khai giảng năm học mới. Nhiều giáo viên và học sinh thuộc diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách li tập trung, chưa kể hàng ngàn giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế nên cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học.

Việc tổ chức dạy – học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn, điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau, nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên khó áp dụng đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy – học trực tuyến gặp rất nhiều hạn chế, nhất là đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1,2. Các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc vừa tổ chức dạy học trực tuyến, theo đúng tiến độ thời gian vừa đảm bảo chất lượng dạy học, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn cụ thể về việc giao quyền quyết định thời gian năm học cho các địa phương cũng như cần tính đến phương án cắt giảm chương trình để phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh như Bộ đã triển khai vào cuối năm học 2019-2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ