Hà Nội nỗ lực hoàn thiện trang thiết bị trường học trước năm học mới

GD&TĐ - Nhiều quận, huyện của Hà Nội đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, để đáp ứng yêu cầu khi đưa sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 vào năm học 2021 – 2022.

Nhiều địa phương đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất để đáp ứng với chương trình SGK mới. Ảnh (chụp trước thời gian giãn cách xã hội): Bảo An.
Nhiều địa phương đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất để đáp ứng với chương trình SGK mới. Ảnh (chụp trước thời gian giãn cách xã hội): Bảo An.

Giáo viên thay đổi tư duy

Cô Nguyễn Thị Loan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Đông – Hà Nội) thông tin, nhà trường đã chuyển bị tất cả điều kiện khi đưa SGK lớp 2 nằm trong Chương trình Giáo dục Phổ thông mới vào giảng dạy.

Cụ thể, trường đã lên phương án, nội dung cho dạy online trong bối cảnh dịch bệnh. Các phương tiện, trang thiết bị đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Hiện, giáo viên đã được phân công cụ thể, triển khai làm quen với học sinh thông qua phần mềm ứng dụng. Đồng thời, hướng dẫn các em chuẩn bị tinh thần, dụng cụ cần thiết trong qua trình học.

Nhà trường cũng đưa ra bản nội quy để học sinh, phụ huynh nắm được, từ đó có thể phối hợp chặt chẽ với giáo viên.

Chương trình SGK mới tạo hứng thú cho học sinh. Ảnh: minh họa.
Chương trình SGK mới tạo hứng thú cho học sinh. Ảnh: minh họa.

Ngoài ra, trường có đầy đủ phòng tin học, nhà đa năng. Trong thời gian nghỉ hè, trường đã sửa chữa một số công trình, tối ưu hóa trang thiết bị để chuẩn bị cho năm học mới. Các trang thiết bị, đồ dùng học tập cần thiết cho học sinh lớp 2 cũng đang được đặt mua mới.

“Tôi đánh giá cao SGK của chương trình mới, học kì II năm trước, học sinh lớp 1 đã có thể đọc rất nhanh, chính xác. Đối với SGK lớp 2 năm nay, chương trình sát với thực tế, gẫn gũi với người học, đan xen giữa yếu tố hiện đại và truyền thống. Do vậy, giáo viên sẽ có những bài giảng rất sinh động.

Mặc dù vậy, hiện nay đang dịch bệnh, những bài liên quan đến hoạt động trải nghiệm, sáng tạo sẽ bị hạn chế. Sau khi học sinh quay trở lại, nhà trường sẽ triển khai lồng ghép để bù lại, vì thế không ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác, để đáp ứng được chương trình của SGK mới, giáo viên phải xây dựng giáo án mới, thay đổi tư duy để phù hợp. May mắn, đội ngũ giáo viên của trường đều có kinh nghiệm lâu năm, có khả năng đổi mới, sáng tạo với mục đích tất cả vì học sinh”- cô Loan chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Nhiều trường trên địa bàn đã nhận được SGK, và đang triển khai các phương án chuyển sách cho phụ huynh và học sinh.

“Một số trường nằm trong vùng xanh, có thể nhờ tới sự hỗ trợ với đoàn thành niên, tổ dân phố, thuê các đơn vị vận tải... để vận chuyển sách đến tận tay phụ huynh, học sinh. Một số trường cũng chọn phương án dạy bằng học liệu điện tử khi dạy trực tuyến nếu SGK chưa về kịp do tình hình dịch bệnh kéo dài”- bà Thủy nói.

Đáp ứng đủ cơ sở vật chất

Ông Bùi Thanh Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, về cơ sở vật chất, địa phương đạt hơn 80% trường chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt cho việc dạy và học.

Các trường đang nỗ lực, xây dựng phòng họp trực tuyến để có thể họp giáo viên, phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh, hoàn thiện hình thức dạy qua zoom.

Song song với đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên sẽ được bổ sung nếu thiếu. Ảnh: Bảo An.
Song song với đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên sẽ được bổ sung nếu thiếu. Ảnh: Bảo An.

Bên cạnh đó, địa phương đang thiếu hơn 200 giáo viên, Phòng GD&ĐT đang rà soát, và tiến hành cho thi tuyển viên chức bổ sung trong thời gian. Trước mắt, với hình thức học trực tuyến có thể linh hoạt theo thời khóa biểu, giáo viên tăng cường công suất, nhưng về cơ bản các nhà trường vẫn đáp ứng được.

Quan trọng nhất là phụ huynh phải quan tâm, đầu tư cho con em mình trang thiết bị phục vụ cho việc học online. Ngoài tính tự giác của học sinh, phụ huynh cũng cần quan tâm đến con em mình.

Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ mở các chuyên đề hướng dẫn về phương pháp quản lý, tổ chức dạy và học thông qua hình thức trực tuyến. Do đó, nhà trường và phụ huynh phải chung tay mới có hiệu quả cao.

Theo ông Phạm Minh Hữu – Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội), hiện nay SGK đã được các nhà trường chuyển đến từng gia đình.

Ngoài ra, với đặc thù là quận nội thành, nên điều kiện cơ sở vật chất trong các nhà trường đủ đáp ứng được cho việc dạy và học, đặc biệt khi năm học tới sẽ đưa SGK lớp 2 mới vào giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ