Ngành Giáo dục đã có nhiều dấu ấn

GD&TĐ - Đó là ý kiến của ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội – tại hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 khi nhấn mạnh một số dấu ấn quan trọng của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua.   

Ông Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Ông Phan Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với kết quả, hạn chế cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới trong báo cáo của Bộ GD&ĐT, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh thêm 3 nội dung.

Thứ nhất, về giáo dục phổ thông, chúng ta đã có những kết quả đáng ghi nhận; nhiều vấn đề được triển khai liên quan đến dạy học ngoại ngữ, mô hình VNEN, STEM, chương trình giáo dục phổ thông mới... “Ủy ban đã tham gia giám sát ở các địa phương vùng cao và thấy rõ sự quan tâm của ngành Giáo dục với các học sinh vùng khó” – ông Phan Thanh Bình chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 có bước tiến lớn, nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực cho thí sinh, phụ huynh và xã hội, hoàn thành đánh giá kết quả học sinh phổ thông sau 12 năm học. Công tác phân luồng cũng đã có độ chuyển nhất định.

Thứ hai, với giáo dục đại học, tự chủ đại học chúng ta đã có nhận thức tốt hơn; trách nhiệm của trường ĐH với xã hội, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm gắn với doanh nghiệp cũng tốt hơn. Vấn đề kiểm định, đánh giá chất lượng và nghiên cứu khoa học được đẩy lên.

Thứ 3, về quản lý giáo dục, ngành Giáo dục đã có nhiều động thái tích cực, từ vấn đề mạng lưới, trong đó có mạng lưới các trường sư phạm; vấn đề đội ngũ. Bộ GD&ĐT cũng đang cùng các chuyên gia nhìn nhận những vấn đề lớn của Ngành để có giải pháp chiến lược...

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ông Phan Thanh Bình cho rằng, cần phải xác định đâu là vấn đề “chốt”: phổ thông hay đại học, chương trình hay phương pháp, thầy cô hay điều kiện cơ sở vật chất, quản lý hay con người...

Cùng với đó phải nhìn lại vấn đề thống nhất trong quản lý. “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là tư lệnh Ngành, nhưng với luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền các địa phương, Bộ trưởng chỉ quản lý kinh phí của Bộ GD&ĐT chứ không phải 20% ngân sách dành cho giáo dục.

Về nhân sự, giáo viên là viên chức, được điều chỉnh bởi Luật Viên chức và chủ yếu do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ” – ông Phan Thanh Bình nêu trăn trở.

Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, giáo dục phổ thông, với nguyên tắc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, vẫn nên hướng về việc đào tạo nhân lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới không nên gấp gáp mà cần có sự chuẩn bị tốt nhất để thực hiện. Về giáo dục Đại học, phải nhìn nhận đúng bản chất của tự chủ đại học chứ không phải chỉ là tự chủ về tài chính....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ