Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ:
Đối với Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, đây là năm thứ ba của lộ trình đổi mới và là năm đầu tiên kỳ thi quốc gia được giao cho các tỉnh, thành phố chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi.
Tất cả đều nỗ lực để làm nên thành công của kỳ thi. Kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Nhìn chung, Kỳ thi năm nay được xã hội đáng giá cao, sức lan tỏa, niềm tin và sự ghi nhận từ xã hội với kỳ thi là rất lớn.
Sự chung lòng, tiếp sức của toàn xã hội đã góp phần quan trọng, là nền tảng làm nên thành công cho kỳ thi năm nay. Đây là động lực lớn giúp những người làm giáo dục tiếp tục nỗ lực cống hiến...
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang:
Chúng tôi đánh giá rất cao Kỳ thi THPT quốc gia; Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt để làm nên thành công của kỳ thi.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 thành công và được sự đồng tình của xã hội, tất cả đều tổ chức, thi cử nghiêm túc nhưng không tạo áp lực nặng nề. Vợi sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, chính xác, kịp thời…
Năm 2018, chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia như năm 2017 và phát huy những thành công của kỳ thi vừa qua.
Trong thời gian qua, chúng tôi rất ghi nhận sự quan tâm của Bộ GD&ĐT với các địa phương. Đặc biệt là mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT và địa phương rất thường xuyên và thuận lợi; khi Bộ chỉ đạo thì địa phương đồng hành thực hiện, phát huy hiệu quả cao. Trong công tác chỉ đạo chuyên môn, Bộ đã quan tâm, phối hợp với địa phương rất tốt.
Đối với Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD&ĐT đã cố gắng lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu rất nhiều ý kiến từ địa phương, Bộ đã lắng nghe, có điều chỉnh hợp lý.
Chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét các điều kiện chuẩn bị đồng bộ từ cơ sở vật chất, con người… của các địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Bộ cùng các đơn vị chức năng cần tăng cơ sở vật chất, tài chính cho ngành giáo dục để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Vì thực tế, thực hiện những mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo hiện gặp nhiều khó khăn. Do đó cần phải xem xét cho phù hợp…
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long:
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức rất thành công và được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Không chỉ đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đánh giá cao mà nhiều cán bộ về hưu rất quan tâm và phấn khởi khi kỳ thi được Bộ giao cho địa phương tổ chức an toàn, nghiêm túc.
Trong năm học qua, công tác truyền thông của Bộ rất tốt, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó, các cơ sở giáo dục cũng đẩy mạnh, làm tốt công tác truyền thông tại đơn vị.
Năm học 2016 - 2017 toàn ngành giáo dục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra đã có tác động sâu rộng đến nhận thức cũng như hành động của toàn ngành, tạo nên những bước chuyển biến tích cực.
Chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nên xem xét những rào cản; nhất là khó khăn về cơ sở vật chất ở vùng sâu, vùng xa.
Địa phương mong Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành có kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương để thực hiện thành công chủ trương này. Bên cạnh đó cần quan tâm đến chế độ đãi ngộ nhà giáo, đảm bảo đời sống cho nhà giáo để đội ngũ yên tâm công tác…