Ngành bảo hiểm xã hội: Chuyển đổi số mang lại nhiều ích lợi

GD&TĐ - Hiện nay, có nhiều trường hợp người sử dụng lao động, doanh nghiệp có tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Sử dụng thẻ BHYT từ phần mềm VssID trên điện thoại mang lại nhiều lợi ích.
Sử dụng thẻ BHYT từ phần mềm VssID trên điện thoại mang lại nhiều lợi ích.

Ngoài tác dụng hỗ trợ người tham gia chủ động quản lý thông tin, nâng cao nhận thức về chính sách bảo hiểm, thì chuẩn hóa dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) còn giúp họ trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho chính mình…

Thuận lợi cho người dân

Chị Kiều Thu Hương (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chia sẻ, có tiền sử bệnh về tuyến giáp, phải thường xuyên đi khám bệnh tại Hà Nội và không ít lần quên mang thẻ BHYT nên phải thanh toán toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.

Hôm nay, đến khám tại bệnh viện, chị Hương đã được hướng dẫn đăng nhập và sử dụng thẻ BHYT từ phần mềm VssID trên điện thoại thông minh. Sau vài phút thao tác quét mã, kiểm tra trên hệ thống, các thông tin đăng ký của chị đã được hiển thị trên hệ thống khám chữa bệnh của bệnh viện.

“Mặc dù được cán bộ BHXH tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, cài đặt phần mềm VssID từ rất lâu nhưng hôm nay tôi mới sử dụng. Việc sử dụng thẻ BHYT điện tử này thực sự rất tiện ích, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, không phải xuất trình giấy BHYT, CCCD... Nhất là đối với một người thường xuyên phải đi khám bệnh như tôi, giờ đã không phải lo việc quên thẻ BHYT như trước nữa”, chị Hương phấn khởi.

Tương tự, ông Trần Minh Phong (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, không may mắc một số bệnh mạn tính, phải đi khám, điều trị nhiều lần/năm. Nếu như trước đây, khi đến cơ sở y tế mà quên thẻ, ông Phong phải về nhà lấy hoặc chuyển lịch khám vào ngày khác. Còn hiện nay, chỉ cần mang theo điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số hoặc ứng dụng định danh điện tử VneID, đã có thể khám, chữa bệnh ở nhiều nơi.

Hiện nay, có nhiều trường hợp người sử dụng lao động, doanh nghiệp có tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng người lao động (NLĐ) thường hay không biết về tình trạng này, anh Nguyễn Duy Phương, nhân viên văn phòng tại Hà Nội đánh giá, với việc sử dụng VssID, NLĐ có thể trực tiếp quản lý thông tin BHXH của mình, biết rõ đã được đóng hay chưa, biết được tình trạng người sử dụng lao động có thực hiện đầy đủ chính sách BHXH, BHYT hay không…

“NLĐ cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng doanh nghiệp của mình, quyền lợi của mình, nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn hay nợ đóng BHXH, họ có thể có biện pháp đấu tranh trực tiếp, phản ánh với công đoàn cơ sở”, anh Minh Phong nhìn nhận.

Không chỉ phục vụ NLĐ, doanh nghiệp trong nước, ứng dụng VssID cũng phục vụ các doanh nghiệp, NLĐ nước ngoài đang sản xuất, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam. Ngày 24/10/2023, trong khuôn khổ Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các doanh nghiệp FDI Nhật Bản về thực hiện chính sách BHXH, BHYT khu vực phía Bắc năm 2023, BHXH Việt Nam đã bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Nhật cho ứng dụng VssID.

Như vậy, hiện nay, ngoài Tiếng Việt, ứng dụng VssID đang có 4 ngôn ngữ nước ngoài là: Anh, Trung, Hàn và Nhật. Những ngôn ngữ này giúp lãnh đạo, người quản lý, NLĐ nước ngoài tại Việt Nam thuận lợi trong việc sử dụng các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số.

Tăng cường quản lý, giám sát

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) cho biết, căn cứ vào kết quả giám định điện tử, ngành đã phát hiện, từ chối những khoản chi phí khám, chữa bệnh không đúng quy định với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.

Thông qua việc thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cơ quan BHXH, ngành BHXH mới phát hiện một số trường hợp ở tỉnh Bình Dương sử dụng căn cước công dân giả làm hồ sơ hưởng BHXH một lần. Hiện, các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của những trường hợp này.

Về phía người dân, NLĐ, khi dữ liệu về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của họ có trên môi trường số, đồng nghĩa mỗi người trở thành “giám sát viên” theo dõi quá trình đóng, hưởng các chính sách của bản thân. Khi phát hiện những thông tin bất thường, người dân có thể chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan để kiểm chứng thông tin.

Gần đây nhất, một bệnh nhân ở TPHCM không bị mắc bẫy lừa nợ 29 triệu đồng tiền khám, chữa bệnh BHYT nhờ đối chiếu thông tin khám, chữa bệnh với cơ sở y tế mà bệnh nhân từng đến...

Thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo lập các Facebook có hình ảnh logo của BHXH Việt Nam, trong đó có ghi các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về việc thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam.

Khi NLĐ tương tác với Facebook này qua Messenger thì các đối tượng tự giới thiệu là nhân viên tư vấn của cơ quan BHXH và hướng dẫn NLĐ tương tác với Fanpage của cá nhân khác chuyên hỗ trợ về các dịch vụ của BHXH.

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, thực tế hiện nay, ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội.

Số tiền chiếm đoạt được từ các “phi vụ này” rất lớn với không chỉ một mà của nhiều nạn nhân, ở nhiều nơi khác nhau do tính “không biên giới, không khoảng cách” mà mạng xã hội tạo ra.

Theo luật sư Bình người dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời tin tức về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo trên các kênh truyền hình, báo chí chính thống, trang mạng xã hội để trang bị kiến thức, hiểu biết và chủ động nhận biết, phòng tránh.

“Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi người dân cũng cần chia sẻ cho gia đình, bạn bè, người thân xung quanh mình về các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo để nâng cao kiến thức nhận biết, cảnh giác, phòng tránh”, luật sư Bình chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.