Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí: Gần 4% đạt xuất sắc

GD&TĐ - Cục Báo chí (Bộ TT&TT) lần đầu tiên công bố kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023. 

Tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã công bố Bộ chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.

Bộ Chỉ số gồm 5 trụ cột và 42 tiêu chí. Tổng điểm đánh giá đạt tối đa là 100 điểm, trong đó thang điểm tối đa của các trụ cột là: (1) Chiến lược: 18 điểm; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; (4) Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; và (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm.

Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp theo 5 mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình và Yếu.

Cổng thông tin Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí (https://pdt.gov.vn/) tích hợp công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Các cơ quan báo chí được cấp tài khoản để thực hiện việc tự khai thông tin khảo sát.

Theo Cục Báo chí, Bộ TT&TT, năm 2023 đã có 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu và được cấp tài khoản chính thức để thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho đơn vị mình.

Trong đó, có 273 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình triển khai công tác đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Khối Địa phương 59 đơn vị, Khối Trung ương 67, Khối Đài 60 và Khối Tạp chí Khoa học 87 đơn vị.

Kết quả tỷ lệ xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023 cho thấy chỉ có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc, 8,06% đạt mức tốt, 13,19% đạt mức khá, 12,09% đạt mức trung bình và 63% đạt mức yếu.

Trong đó mức xuất sắc Khối Trung ương chiếm tỉ lệ cao nhất với 50%, Khối Đài 40% và Khối Địa phương chiếm 10%.

Riêng mức yếu, cao nhất thuộc về Khối Tạp chí Khoa học chiếm 45,35%, Khối Trung ương 31,82%, Khối Địa phương 17,44% và Khối Đài 12,79%.

Top 10 cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc gồm có: Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Vnexpress, Báo Lao Động, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Vietnamplus, Báo VietNamNet, Báo Điện tử VTC News, Đài Phát thanh và truyền hình Vĩnh Long, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Người Lao Động.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT, năm 2023 chỉ có 30,92% cơ quan báo chí tham gia khảo sát nhưng gồm có nhiều báo đài lớn - chiếm hơn 85% thị phần người đọc, xem, nghe và chiếm hơn 90% thị phần quảng cáo trên báo đài cả nước. 63% cơ quan báo chí khảo sát đạt mức trưởng thành chuyển đổi số ở mức yếu, tập trung nhiều ở khối tạp chí khoa học (45,35%), khối báo chí ở Trung ương (31,82%).

Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số báo chí của lãnh đạo không ít cơ quan báo chí còn ở mức thấp, điển hình là tỷ lệ báo chí chưa hoàn thành tập huấn 61,56%; Tỷ lệ báo chí chưa tham gia thực hiện việc tự đánh giá 69.05%; Người đứng đầu cơ quan là người chủ trì, chỉ đạo chuyển đổi số 34,8%; Cơ quan báo chí đã xây dựng chiến lược/ kế hoạch/ chương trình chuyển đổi số báo chí của cơ quan: 43,59%.

So với khối báo, khối đài chuyển đổi số nhanh hơn do yêu cầu về số hoá ngành truyền hình (mức độ yếu của khối các đài chỉ chiếm 12,79%). Mức độ quan tâm của chủ quản đối với việc đầu tư cho chuyển đổi số còn ở mức thấp (25,27% cơ quan báo chí được chủ quản bố trí nguồn kinh phí chuyển đổi số).

Đa số cơ quan báo chí chưa thực hiện thu phí hoặc có thu phí nhưng hiệu quả kinh tế thấp, chưa hỗ trợ lại cho hoạt động của báo (2,56% báo chí có thu phí; tỷ lệ tăng doanh thu sau chuyển đổi số còn thấp: 15,02%); Ít quan tâm đến việc nâng cao trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả (16,12%); Chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn thông tin (định kỳ kiểm tra, đánh giá ATTT theo quy định chỉ chiếm 10,26%); Ít quan tâm đến bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trên không gian mạng (chỉ có 4,03% cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ để phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí).

Tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%)

Ông Lưu Đình Phúc cho biết, các chỉ tiêu cần đạt được trong năm 2024 và năm 2025, đó là chuyển đổi số báo chí ở mức yếu, trung bình giảm từ 75% xuống còn 60% (năm 2024) và 40% năm 2025; ở mức khá, tốt từ 22% tăng lên thành 35% (năm 2024) và 50% (năm 2025); ở mức xuất sắc tăng từ 3,66% lên thành 5% (năm 2024) và 10% (năm 2025).

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.