Hành trình khám phá thú vị chuyển đổi số trong quản lý và dạy học

GD&TĐ - Sự hợp nhất của công nghệ vào quản lý và quá trình dạy học đã mang lại cơ hội mới để trẻ phát triển cả thể chất và tinh thần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Và cũng từ đó, học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực đúng với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Định hình lại cách quản lý

Trong quá trình xây dựng trường học hạnh phúc, chuyển đổi số đóng vai trò là chất xúc tác. Nó định hình lại cách chúng ta quản lý các tổ chức giáo dục, hợp lý hóa các nhiệm vụ hành chính.

Chuyển đổi số trong quản lý giúp tối ưu hóa các quy trình hành chính, giảm thiểu thời gian và nguồn lực để các công việc phục vụ trở nên tự động hơn. Quản lý danh sách học sinh, lịch học và thông tin cá nhân trở nên thuận tiện hơn, giúp giáo viên và nhân viên quản lý có nhiều thời gian để tương tác với học sinh và phụ huynh.

Chuyển đổi số cho phép tạo ra môi trường học tập hoạt động và tương tác, giúp học sinh tham gia tích cực hơn và hiểu sâu hơn về nội dung. Công nghệ có thể tạo ra các tài liệu giảng dạy tương tác, video học tập, giảng dạy trực tuyến và các hoạt động đa dạng để mang lại kinh nghiệm học tập.

Cùng đó, sự kết hợp giữa chuyển đổi số và mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc tạo nên môi trường tương tác tích cực. Tôn trọng đa dạng cá nhân và khuyến khích phát triển tư duy. Học sinh cảm nhận niềm vui trong quá trình học tập và sự yêu thích với kiến thức mình lĩnh hội được.

Sử dụng công nghệ trong quá trình dạy học còn giúp học sinh phát triển kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện và làm việc theo nhóm - những kỹ năng quan trọng đối với thành công trong cuộc sống.

Điển hình như Trường THPT Nghi Lộc 2 (Nghi Lộc, Nghệ An), vận dụng chuyển đổi số trong dạy và học đã có nhiều biến chuyển rõ rệt. Trong các giờ lên lớp, giáo viên sử dụng các công cụ hỗ trợ, phần mềm ứng dụng cả online và offline giúp ích rất nhiều trong việc giảng dạy như Microsof – Team, Azota, Googleform, Quizizz, Intest, GSP, Geogra… Nhiều thầy cô đã vận dụng linh hoạt các phần mềm trên vào dạy học, tạo được hứng thú cho học sinh và nâng cao hiệu quả dạy học.

Mặt khác, giáo viên cũng biết ứng dụng các công cụ hỗ trợ vào dạy học, giúp bài giảng khoa học, dễ hiểu hơn; xây dựng các bài tập tương tác trực tiếp với học sinh nhằm cải thiện chất lượng nội dung truyền đạt, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Giáo viên đã vận dụng các phần mềm hỗ trợ vẽ hình, cắt ghép hình ảnh làm cho bài giảng trở nên trực quan hơn. Nhiều nhà giáo đã biết sử dụng các phần mềm chuẩn hóa đề, trộn đề và giao bài tập online qua đó đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá với độ chính xác cao, cho kết quả thống kê số lượng học sinh lĩnh hội được và chưa lĩnh hội được kiến thức bài học ngay sau tiết dạy để kịp thời điều chỉnh, nâng cao kết quả giờ dạy; đồng thời giám sát được việc làm bài tập về nhà của học sinh trên diện rộng.

Ở góc độ cá nhân, sau khi tham dự Hội thi giáo viên giỏi tỉnh năm học 2023 - 2024, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) vào các tiết dạy. Đó là phải thay đổi cách xây dựng kế hoạch bài dạy (KHBD) làm sao vừa phát huy ưu điểm của việc vận dung CNTT vừa tránh lạm dụng nó vào quá trình giảng dạy.

Một câu chuyện tôi muốn được chia sẻ từ Hội thi là sau khi kết thúc tiết dạy thực hành bài “Cầu hiền chiếu”, một đồng nghiệp muốn xin lại giáo án để tham khảo. Và khi Hội thi kết thúc, tôi đã gửi giáo án đó cho đồng nghiệp. Một ngày sau, đồng nghiệp gửi tin nhắn cho tôi.

Ngoài việc khen những ưu điểm, tôi nhớ nhất lời góp ý, rằng KHBD vẫn còn lạm dụng phần trình chiếu và cần bớt đi kỹ thuật “trình bày một phút” trong phần thảo luận. Từ góp ý đó, tôi nhận ra rằng, vận dụng CNTT vào dạy học, nhất là ở một môn học đặc thù cần nhiều yếu tố cảm xúc như môn Ngữ văn, giáo viên phải thận trọng cân nhắc từng hoạt động dạy học, từng phương pháp, kỹ thuật dạy học khi thiết kế KHBD.

Cụ thể, các tiết dạy hiện tại, khi vận dụng CNTT, tôi luôn chú ý tới đặc trưng môn học và thái độ tiếp nhận của học trò. Đó là không chia nhỏ một tiết học thành quá nhiều hoạt động, không “bắt” học sinh phải làm mọi việc. Đó là sử dụng kênh hình, kênh video khéo léo ở một vài hoạt động như phần khởi động hoặc phần luyện tập, vận dụng.

Thực tế, sau khi có những điều chỉnh như đồng nghiệp góp ý, tôi thấy việc vận dụng CNTT đã đem lại hiệu quả tốt trong các giờ dạy. Học sinh hào hứng, tích cực hơn khi mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi với bạn và với người dạy. Dù câu hỏi, có lúc đúng, lúc chưa hợp lý nhưng cho thấy các em dám bày tỏ các chính kiến trước nhiều vấn đề từ văn chương đến cuộc sống. Các em được trao đổi nhiều hơn là nhờ một phần tôi đã mạnh dạn vận dụng “kỹ thuật hỏi chuyên gia” và mô hình “lớp học đảo ngược” vào một số tiết dạy học nói và nghe.

Tập huấn sử dụng các phần mềm quản lý dạy và học tại Trường Mầm non Núi Voi (Thái Nguyên). Ảnh: ITN

Tập huấn sử dụng các phần mềm quản lý dạy và học tại Trường Mầm non Núi Voi (Thái Nguyên). Ảnh: ITN

Biến việc không thể trở thành đơn giản

Hiện, nhà trường mới sử dụng phần mềm SMAS quản lý hồ sơ chuyên môn giáo viên gồm phân phối chương trình, lịch báo giảng; quản lý học sinh về điểm số, học bạ, liên lạc điện tử… Các kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy… những năm trước đây nhà trường sử dụng các ứng dụng như Google driver, Microsof - team... nhưng tính tiện lợi và hợp lý chưa cao, manh mún chưa đồng bộ và giáo viên khó sử dụng.

Vì vậy, việc đưa Hồ sơ sổ sách giáo giáo dục - eDoc vào triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả giáo viên và các cấp quản lý như tiết kiệm chi phí tiền giấy và in ấn; tiết kiệm chi phí và không gian lưu trữ hồ sơ sổ sách của nhà trường.

Tránh được các nguy cơ mất mát, hư hại hồ sơ do các lý do không mong muốn; tiết kiệm thời gian trong việc trình ký hồ sơ khi người dùng có thể trình và ký bất cứ ở đâu khi có kết nối Internet. Ngoài ra, nó cũng giúp đảm bảo quy trình sử dụng sổ sách chính xác đúng quyền, đúng vai trò đến từng cá nhân cho cả hệ thống giáo dục; đơn giản, thuận tiện cho công tác kiểm tra đánh giá tình hình sổ sách của cấp quản lý.

Bên cạnh đó, Hồ sơ sổ sách giáo giáo dục – eDoc còn cho phép cấp quản lý có thể kiểm soát được tình hình hoàn thành hồ sơ sổ sách của tất cả đơn vị mà không cần phải đến tận nơi để kiểm tra. Nó cũng cho phép khai thác và có thể chia sẽ dữ liệu hồ sơ sổ sách đúng mong muốn của đơn vị sử dụng.

Từ đó, giúp thay đổi nhiều quy trình làm việc, biến việc trước đây là không thể thì nay trở thành đơn giản, biến việc tốn nhiều thời gian để thực hiện nay trở nên nhanh chóng. Qua đó, tăng năng suất lao động của cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành lên nhiều lần so với trước, mang lại hiệu quả cao cho công việc.

Cụ thể: Việc sử dụng sổ đầu bài điện tử sẽ giúp việc quản lý sổ đầu bài thuận lợi hơn rất nhiều. Từ nay không còn tình trạng báo mất sổ đầu bài, phê sổ đầu bài vào ngày nghỉ lễ, tẩy xóa sổ đầu bài. Tiết kiệm được tiền in ấn sổ đầu bài, tiết kiệm được công sức phát sổ, nộp sổ vào mỗi buổi học và đặc biệt hơn công tác thống kê báo cáo xếp loại của đoàn trường của các cấp quản lý sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thành công nếu đồng lòng thực hiện

Với những lý do trên và để đảm bảo rằng việc thay đổi số trong quản lý và dạy học, tôi thiết nghĩ điều kiện cần thiết đầu tiên là nhà trường cần có đường truyền Internet đủ mạnh và ổn định. Phủ sóng đến từng lớp học, đến từng phòng tổ chuyên môn.

Điều kiện thiết yếu thứ 2 là sự đồng thuận và vào cuộc của ban giám hiệu nhà trường và toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên. Trước cái mới nếu ngại thay đổi, ngại tìm hiểu thì chúng ta không thể hòa nhập được trong thế giới 4.0 này. Vì vậy, ban giám hiệu nhà trường đã quán triệt việc chuyển đổi số nói chung và việc chuyển đổi số trong Trường THPT Nghi Lộc 2 là xu thế tất yếu, nhiệm vụ buộc mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên phải hoàn thành.

Tiếp đến, ban giám hiệu nhà trường thành lập tổ “hỗ trợ chuyển đổi số” để xây dựng lộ trình phát triển cũng như hỗ trợ ban giám hiệu trong việc tư vấn các ứng dụng khả thi, cách tiếp cận và hỗ trợ giáo viên cách sử dụng. Nhà trường thực hiện “chữ ký số” trên học bạ và sổ gọi tên ghi điểm với học sinh 3 khối 10, 11, 12. Chữ ký điện tử, học bạ điện tử là những văn bản quan trọng, số hóa sẽ giảm nhiều các thao tác và thuận tiện trong khâu lưu trữ, quản lý hồ sơ sổ sách.

Để đảm bảo công tác điểm danh học sinh chính xác, kịp thời, tôi mong nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện hệ thống điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt. Hệ thống điểm danh sẽ xuất thông báo em vào lớp muộn, không điểm danh, gửi tin nhắn điện tử tới phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để cùng nắm bắt và kịp thời xử lý.

Giải pháp cuối cùng để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học, sinh hoạt chuyên môn là thường xuyên tập huấn, cập nhật cho giáo viên các ứng dụng mới, từ đó làm mới phương pháp dạy học và liên tục triển khai trong các giờ lên lớp.

Tôi tin rằng, với sự tham gia và hợp tác của toàn thể cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THPT Nghi Lộc 2 có thể thực hiện thành công chuyển đổi số trong quản lý và dạy học, hướng tới phát triển bền vững cho tương lai.

Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và dạy học không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội để tạo ra môi trường học tập tiên tiến, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của giới trẻ ngày nay. Chuyển đổi số trong giáo dục là một hành trình thú vị nhưng phức tạp.

Nó đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa việc khai thác sức mạnh của công nghệ và bảo tồn bản chất của các tương tác thực sự của con người. Bằng cách kết hợp các nguyên tắc chuyển đổi số với khát vọng xây dựng trường học hạnh phúc, chúng ta có thể mở đường cho một tương lai nơi giáo dục trở thành công cụ trao quyền, giác ngộ và hạnh phúc lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.