Đồng thời bắt người dân nộp lệ phí khai thác mà hoàn toàn không có hóa đơn chứng từ đầy đủ. Đó là thực tế đang diễn tại Bãi Bồi nằm ở hai thôn Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng) và thôn Hạ (xã Dương Hòa) tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Bất lực ở nơi khai thác mới
Theo phản ảnh của 30 chủ thuyền chuyên khai thác cát sạn ở tổ dân phố 20 phường Kim Long ( TP Huế), lâu nay, khai thác cát sạn trên sông Hương đã trở thành nghề mưu sinh của bà con xóm chài nơi đây.
Sau khi khu vực khai thác cát sạn trên sông Hương được xác định ảnh hưởng đến các điểm di tích và “dòng sông di sản”, những hộ dân vạn đò tái định cư tại tổ dân phố 20 của phường này phải theo chỉ thị do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Tài nguyên và Môi Trương (TN-MT) đã lên khu vực Bãi Bồi thuộc khu vực thôn Hạ xã Dương Hòa tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác cát sạn.
Các chủ đò đã hợp tác với doanh nghiệp tư nhân Phú Vĩnh (nơi công ty THHH Phước Vĩnh đã được cấp giấy phép khai thác cát sạn) để khai thác cát sạn.
Thế nhưng khi đến địa điểm mới này, họ lại bị các chủ đò và người dân ở thôn Vỹ Dạ nằm bên kia sông không cho phép khai thác. Thậm chí các thanh niên trong thôn đã dùng hung khí là dao rựa ra dọa nạt không cho khai thác cát sạn tại khu vực Bãi Bồi.
Ông Nguyễn Văn Lánh chủ đò TTH-0703 kể lại: Chúng tôi là những lao động nghèo, quanh năm nhờ nghề khai thác cát sạn để mưu sinh. Khi UBND tỉnh đã có quy định không cho phép khai thác cát sỏi trên sông Hương anh em đã chấp hành rất nghiêm túc.
Khi đến địa điểm khai thác mới phía trên cầu Tuần ở khu vực Bãi Bồi lại bị thanh niên và người làm nghề khai thác cát sạn doạ nạt, khống chế buộc chúng tôi phải nộp phạt và tự do thu phí không có bất kỳ một hóa đơn hay chứng từ nào.
Do sợ trả thù nên 10 ngày nay bà con trong tổ dân phố ngừng hoạt động khai thác. Đỉnh điểm của “thói giang hồ lưu manh” xảy ra vào lúc 7 giờ ngày 20/3.
Trong lúc 5 thuyền khai thác cát của các ông Nguyễn Văn Lánh, Trần Đình Lực, Nguyễn Đình Hoang, Nguyễn Đình Tý, Võ Văn Đỏ đang khai thác cát sạn ở khu vực Bãi Bồi của thôn Hạ (xã Dương Hòa), bất ngờ 20 thanh niên ở thôn Vỹ Dạ xã Thủy Bằng dùng hai thuyền máy của ông Thắng và ông Bé đến vác dao, rựa, máy ảnh ra không chế bắt chủ thuyền vào thôn làm việc.
Đồng thời yêu cầu mỗi thuyền phải nộp 2 triệu đồng tiền phạt, nếu không có tiền thì phải gấp rút tháo gỡ dụng khai thác, giao nộp đầu máy. Nếu tái phạm “khung hình phạt” sẽ tăng lên 4 triệu/thuyền.
Anh Nguyễn Đình Hoang một chủ thuyền bức xúc kể: Chúng tôi bị dân dùng dao rựa khống chế bắt vào nộp tiền mà không hề có phiếu thu của UBND xã Thủy Bằng và hoàn toàn không có đại diện của chính quyền xã chứng kiến.
Mãi đến 11 giờ trưa mới có 2 người mặc áo quần công an viên đến làm chứng. Lúc này mấy anh em nài nỉ mãi họ mới chấp nhận cho 5 chủ thyền nộp phạt với tổng cộng số tiền 7,5 triệu đồng.
Trước đó nhiều lần anh em chúng tôi phải “ ngậm đắng nuốt cay” khi phải chung chi cho một số đối tượng “máu mặt” ở khu vực khai thác cát sạn từ 40 đến 50 nghìn/1 thuyền, nếu không họ cản trở không cho phép vào khai thác.
Các chủ thuyền bức xúc trình bày sự việc |
Sớm đòi lại công bằng cho các chủ thuyền
Theo quyết định số 1143/QĐ-UBND do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp ngày 18/6/2013 về việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại Bãi Bồi (thôn Hạ, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) cho phép thăm dò khai thác với diện tích khoảng 3 ha.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Thái - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng - cho biết: Khu vực khai thác cát sạn ở bãi Bãi Bồi được giao cho 2 doanh nghiệp thăm dò khai thác.
Phần bãi ở khu vực Vỹ Dạ do doanh nghiệp Tuyết Liên khai thác, phần Bãi Bồi thuộc địa phận thôn Hộ xã Dương Hòa do công ty TNHH Phú Vĩnh Khai thác. Việc tự tiện thu phí và lấy tiền nộp phạt đối của một số đối tượng tại khu vực Bãi Bồi là sai hoàn toàn.
"Tôi đã chỉ đạo công an xã và cán bộ thôn về vận động trả lại 7,5 triệu đồng cùng với máy móc thiết bị khai thác cát sỏi cho người dân. Thu sai thì phải trả, nhưng người dân ở các thôn này vẫn bức xúc vì nếu tiếp tục khai thác cát sỏi sát bờ tại khu vực này thì nhà cửa của hơn 300 hộ dân đang sinh sống ở 4 thôn Võ Xá, Vỹ Dạ, Tân Ba, Dạ Khê (xã Thủy Bằng) có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở”, ông Thái nói.
Theo văn bản của UBND tỉnh từ khu vực cầu Tuần trở lên 2,6km thuộc khu vực Định Môn, Tân Ba hoàn toàn được phép khai thác. Ông Thái cho biết thêm: Hiện nay tại khu vực khai thác gần thôn Tân Ba có một số người làm bảo kê, thu tiền một đò cát 50.000 đồng khiến tình hình khai thác cát sạn ở đây khá phức tạp. Qua xác minh không phải người ở địa phương.
Để đảm bảo trật tự tại khu vực khai thác cát sạn, lãnh đạo xã Thủy Bằng kiến nghị tỉnh nên quy định thời gian khai thác. Trên dòng sông, Sở TN-MT cần có biển mốc cụ thể tại khu vực khai thác.
Theo quy định nơi được khai thác phải cách bờ 30m xa nhà dân. Tuy nhiên do không quy định về thời gian nên người dân khai thác sát mép bờ sông vào lúc 1 đến 2 giờ sáng, không thể quản lý được.