Ngăn trẻ đến lớp vì… sáp nhập trường ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng trăm phụ huynh tập trung trước cổng Trường THCS Khai Lạng cơ sở 2 yêu cầu địa phương giải quyết việc họ phản đối sáp nhập trường.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn, Nghệ An họp tháo gỡ vướng mắc về việc sáp nhập trường với cán bộ, giáo viên Trường THCS Khai Lạng.
Lãnh đạo huyện Anh Sơn, Nghệ An họp tháo gỡ vướng mắc về việc sáp nhập trường với cán bộ, giáo viên Trường THCS Khai Lạng.

Ngăn con đến lớp

Đề án sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn thành THCS Khai Lạng được thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục đối với các đơn vị có quy mô trường lớp nhỏ.

Theo lộ trình đề án sáp nhập, đến năm học 2019 - 2020, toàn bộ học sinh THCS tại xã Lạng Sơn sẽ chuyển về trường chính THCS Khai Lạng. Đồng thời bàn giao cơ sở vật chất Trường THCS Lạng Sơn (cũ) về cho trường tiểu học trên địa bàn quản lý.

Sáng 7/9, hàng trăm học sinh THCS của xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đã tới trường, nhưng sau đó gia đình, người thân không cho vào lớp. Đứng tập trung ngoài cổng trường đến nửa buổi, các em lần lượt ra về. Còn rất nhiều phụ huynh vẫn ở lại để yêu cầu chính quyền địa phương, lãnh đạo huyện trả lời việc họ phản đối sáp nhập trường.

Ông Nguyễn Quang Huân (xóm 5, xã Lạng Sơn) cho biết, cách đây 4 năm, Trường THCS Lạng Sơn và Trường THCS Khai Sơn sáp nhập thành Trường THCS Khai Lạng. Dù sáp nhập nhưng trường vẫn duy trì 2 điểm, trong đó cơ sở chính đặt tại xã Khai Sơn, còn cơ sở 2 đặt tại xã Lạng Sơn. Học sinh khối 9 xã Lạng Sơn chuyển sang cơ sở chính để thuận tiện cho dạy học, ôn thi vào lớp 10.

Ông Huân là một trong những phụ huynh có con học lớp 9 khóa đầu tiên của xã Lạng Sơn chuyển sang học tập ở cơ sở xã Khai Sơn. Ông Huân kể lại, vì đường xa không yên tâm cho con đạp xe đến trường cách nhà 5 - 6km nên gia đình đưa đón con rất vất vả. Về sau, để thuận tiện hơn, ông mua cho con chiếc xe đạp điện để tự đi học. Hiện cháu vừa tốt nghiệp THPT, nhưng có cháu kế tiếp bước vào lớp 6 năm học 2022 - 2023 này.

Nói về lý do phản đối sáp nhập trường, phụ huynh này cho biết vì nhận được thông báo từ năm học này sẽ chuyển lớp 6, 7, 8 ra học ở cơ sở chính tại xã Khai Sơn. “Tôi và nhiều phụ huynh khác mong con được học tại trường trong xã, khỏi đi xa vất vả. Hơn nữa cơ sở vật chất ở đây cũng rất tốt, có nhà 2 tầng kiên cố”, ông Huân nói.

Trước khi chính thức bước vào năm học 2022 - 2023, nhiều người dân xã Lạng Sơn đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn, Nghệ An xem xét lại việc sáp nhập trường do có nhiều điều chưa hợp lý. Cụ thể, cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh THCS của hai xã. Việc đi lại của các cháu từ lớp 6 đến lớp 8 từ Lạng Sơn sang Khai Sơn rất vất vả, xóm xa nhất cách trường 7 - 8km.

Ngoài ra, nhiều người dân cũng cho rằng Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, Trường THCS Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên của huyện có cơ sở vật chất phòng học hai tầng. Vì vậy, nếu sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một truyền thống của địa phương, và Lạng Sơn sẽ bị mất trường THCS.

Sáng 7/9, nhiều học sinh xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đi học nhưng sau đó ra về do phụ huynh ngăn cản vào trường.

Sáng 7/9, nhiều học sinh xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) đi học nhưng sau đó ra về do phụ huynh ngăn cản vào trường.

Lớp học vắng học sinh

Sáng 7/9, tại cơ sở Lạng Sơn, chỉ có duy nhất lớp học gồm 11 em lớp 8/154 học sinh đến trường học tập. Cô Đặng Thị Hương (GV Toán) cho biết, 11 học sinh này là của cả 2 lớp 8A và 8B gộp lại.

“Đáng ra tôi sẽ dạy bài mới, nhưng số lượng học sinh quá ít, nên tôi cho các em luyện tập. Là cô giáo, tôi cũng chạnh lòng khi trường lớp vắng học trò, nhưng có học sinh nào trường sẽ dạy cho em đó. Đồng thời động viên, ổn định tâm lý để các em yên tâm học tập. Những em đi học đều có ý thức ham học, mong muốn đến trường”.

Em Võ Thị Anh Thư nhà ở xóm 1, xã Lạng Sơn chia sẻ: “Dù có nhiều bạn không vào lớp, nhưng em vẫn đi học, vì không muốn bỏ lỡ kiến thức. Nếu sau này trường chuyển sang xã Khai Sơn thì em cũng sẽ theo học. Hôm nay, bố mẹ em ở nhà, và bảo em đến trường, không phải nghỉ học ở nhà”.

Trong khi đó, em Tuấn có bố mẹ đi làm công nhân trong miền Nam, ở nhà với ông bà tại xóm 5 xã Lạng Sơn. Tuấn nói: “Bước vào năm học mới rồi nên em muốn được đi học. Bố mẹ cũng gọi điện thoại về nhắc em không được bỏ học”.

Trước đó, ngày 6/9, toàn bộ học sinh khối 6, 7, 8 của cơ sở Lạng Sơn vẫn đến trường bình thường. Riêng hơn 50 học sinh khối 9 dù theo thông báo, kế hoạch là chuyển sang học tập tại cơ sở 1 nhưng vẫn tới trường cũ. Nhưng do nhà trường không bố trí, sắp xếp phòng học, thiết bị cho khối 9 tại cơ sở Lạng Sơn nên các em ra về.

Đến sáng 7/9, cả 4 khối lớp đều bị phụ huynh ngăn cản không cho vào học để phản đối việc sáp nhập trường. Cô Phan Thị Phượng cho hay, sáng sớm cô đến trường đã thấy có nhiều em đi học. Nhưng sau đó, bố mẹ tập trung ở cổng gọi con ra ngoài.

Cơ sở chính Trường THCS Khai Lạng, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Cơ sở chính Trường THCS Khai Lạng, huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Mong giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Sẽ tiếp tục dân vận

Trưa 7/9, ông Đặng Xuân Quang – Phó Bí thư Huyện ủy Anh Sơn - chủ trì cuộc họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Đặng Xuân Quang cho hay, việc sáp nhập Trường THCS Khai Lạng được thực hiện trên cơ sở khảo sát thực tế quy mô trường lớp và được đồng ý của Ban Thường vụ Huyện uỷ. Sau đó UBND huyện ban hành đề án sáp nhập 2 trường THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn.

Liên quan đến quá trình thực hiện sáp nhập, trước mắt huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, dân vận. Đối với khối 9 do ở cơ sở Lạng Sơn không chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học, nên quan điểm của huyện là đưa các em về cơ sở chính để học tập.

Ông Đặng Xuân Quang cũng đề nghị nhà trường chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh và bù kiến thức khi các em đi học trở lại. Còn đối với những cá nhân ngăn cản học sinh đi học là sai trái và gây thiệt thòi cho học sinh.

Theo ông Lê Đình Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng, quá trình thực hiện sáp nhập, nhà trường vẫn duy trì 2 cơ sở học tập, nhằm ưu tiên quyền lợi cho học trò.

“Dù hoạt động song song 2 cơ sở, nhưng không có sự phân biệt trong giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện. Giáo viên nhà trường có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết dù việc dạy học 2 điểm trường rất vất vả”, ông Hà cho hay.

Cô Nguyễn Thị Chung là giáo viên môn Âm nhạc kiêm Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Khai Lạng. Do đặc thù chuyên môn, nên kể từ khi sáp nhập trường, cô là một trong số giáo viên thường xuyên dạy cả 2 cơ sở.

Cô Chung chia sẻ: “Tôi ủng hộ chủ trương sáp nhập trường lớp để có điều kiện tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại, đạt chuẩn. Bản thân mặc dù qua lại liên tục giữa 2 cơ sở, nhưng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo quy định. Tôi cũng mong phụ huynh chia sẻ với nhà trường, thầy cô giáo và đặt quyền lợi học tập của con em lên trên hết”.

Theo ông Lê Đình Hà, việc ngăn cản học sinh đến trường là vi phạm quyền lợi được đi học của các em. Đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học của nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS Khai Lạng cũng mong muốn các cấp chính quyền có phương án giải quyết, xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất để học sinh trở lại đi học, đảm bảo quyền lợi cho các em.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn cũng cho rằng, việc phụ huynh không cho con em vào học trước tiên là sai.

“Tôi cũng là một người thầy, tôi nghĩ chỉ cần các em nghỉ học một ngày cũng đã bị ảnh hưởng. Vì khối lượng kiến thức đã được phân phối theo khung chương trình, kế hoạch năm học của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, hệ lụy lớn nhất là trong tư tưởng các em sẽ lưu lại những hình ảnh xấu vì sao phụ huynh ngăn cản các con đến trường. Đây là điều không nên trong giáo dục gia đình và cả giáo dục xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.
Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.