Thế nhưng, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng quyền hạn của mình, "bác" một tờ trình được xem là "chính đáng" của UBND tỉnh này tại kỳ họp hôm 22/7. Đó là đề nghị "phạt thật nặng và cho tồn tại" các công trình xây dựng trái phép ở tỉnh này, mà Dự án Ocean View tại phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang là nổi cộm nhất.
Dự án Ocean View do Công ty TNHH TM&DV Thiên Nhân II làm chủ đầu tư, được quy hoạch 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40 - 60%, chiều cao tối đa 3 tầng. Đến nay có hàng chục lô sai phạm với mật độ xây dựng 80 - 100%, chiều cao từ 5 - 8 tầng. Năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 14 quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ các ngôi nhà vi phạm so với giấy phép.
Tuy nhiên, một năm qua, các công trình vi phạm vẫn tiếp tục hoàn thiện, trong đó có những ngôi nhà được biến thành khách sạn. Lý do được Sở Xây dựng đưa ra là nhà đầu tư chính (tức Công ty Thiên Nhân II) hiện đã bị bắt, còn nhà đầu tư thứ cấp, tức chủ nhân các công trình vi phạm thì không chịu hợp tác với các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa để thực hiện tháo dỡ.
Trước khả năng "khó xử lý" của hàng chục ngôi nhà nhiều tầng đã và đang hoàn thiện tại dự án này, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra hai giải pháp: Một là, buộc các chủ nhân công trình phải tháo dỡ toàn bộ số tầng và số diện tích đã vi phạm so với giấy phép; hai là, phạt thật nặng và cho tồn tại. Ông Hoàng "kêu gọi" các đại biểu ủng hộ giải pháp thứ hai, vì theo ông, rất khó thực hiện khi buộc các chủ nhân những ngôi nhà vi phạm ấy tháo dỡ. "Nếu phạt nặng rồi cho tồn tại, chúng ta sẽ thu về cho ngân sách 65 tỷ đồng, chỉ riêng chỗ Dự án Ocean View này", ông Hoàng nhấn mạnh.
Phát biểu tranh luận tại buổi chất vấn nói trên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, số tiền phạt dù có lớn đến đâu cũng không nên vi phạm kỷ cương phép nước. "Chúng ta không nên đặt một tiền lệ xấu là "phạt cho tồn tại" như thế sẽ rất nguy hiểm đến sự nghiêm minh của pháp luật. Nha Trang giờ như một công trường xây dựng, cán bộ thanh tra không thể kiểm soát hết hàng nghìn công trình đang xây dựng, nếu không giữ nghiêm kỷ luật, sẽ bị lạc vào trận đồ bát quái của những vi phạm. Tiêu cực cũng từ đó nảy sinh", một đại biểu phân tích.
Ba năm trước, tòa nhà 43 tầng của Tập đoàn Mường Thanh bên bờ sông Cái, vì xây vượt 3 tầng (quy định cho phép 40 tầng), sau cả năm trời "cù cưa", cuối cùng rồi tỉnh Khánh Hòa cũng buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ 3 tầng vượt quy định trước khi hoàn thiện công trình dù rất tốn kém cả công lẫn của.
Những tưởng, tỉnh Khánh Hòa sẽ theo kỷ cương ấy mà làm, không ngờ lại có "giải pháp" mang nặng tính thỏa hiệp như vừa xảy ra tại kỳ họp HĐND. Tuy nhiên, rất may là số tiền 65 tỷ "phạt cho tồn tại" đã không thể làm chùn tay các đại biểu HĐND khi biểu quyết một vấn đề mang tính nghiêm minh của pháp luật như vậy.
Không nên đặt một tiền lệ xấu, đấy là điều cần tránh nếu không muốn thế hệ kế tiếp nhận lãnh hậu quả do những người đi trước để lại.