Ngăn nhập cảnh trái phép

GD&TĐ - Việc chặn nhập cảnh trái phép không chỉ là trách nhiệm của an ninh, biên phòng, mà còn là của chính quyền các địa phương và cần sự vào cuộc của người dân trong nước.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Những tuần qua, từ khi bùng phát làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, dư luận rất bức xúc với những vụ phát giác người nhập cảnh trái phép.

Công an đã khởi tố nhiều vụ, từ vụ một thanh niên quê Cao Bằng sống tại TPHCM tổ chức sắp xếp chỗ ở cho nhiều người Trung Quốc để nhận vài triệu đồng, dù biết những người này không có giấy tờ; 52 người Trung Quốc khác bị phát hiện trốn tránh ở Vĩnh Phúc và một phụ nữ Việt Nam bị khởi tố vì giúp những người này.

Nổi bật là vụ một cô sinh viên tiếng Trung thuê nhà cho hàng chục người Trung Quốc tại Hà Nội để kiếm lời hơn 100 triệu đồng…

Khó mà nói rằng những kẻ tiếp tay trong nước không biết về nguy cơ khi đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Đó là những nguy cơ về an ninh quốc gia, về lây lan dịch bệnh mà các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa tin, hoặc tại các phường xã, tổ dân phố đều đã có những biện pháp tuyên truyền cho người dân bằng loa đài, poster hay bằng sự vận động của tổ trưởng, công an khu vực.

Những người nước ngoài không thể nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nếu không có sự tiếp tay đó. Lọt lưới biên phòng, an ninh, họ vào sâu được nội địa Việt Nam chính là bằng những đường dây nội địa.

Lý do chủ yếu mà những người tiếp tay khai nhận là do lòng tham, do được trả tiền. Thật đáng lên án khi chỉ vì thấy cái lợi trước mắt mà họ quên đi những nguy cơ lâu dài với cộng đồng, với chính mình khi dịch bệnh bủa vây tứ phía và dễ lây lan hơn bao giờ hết.

Lực lượng biên phòng, an ninh biên giới từ cả năm qua đã căng mình chống dịch. Các chiến sĩ biên phòng phải dựng lều ngủ tạm trên rừng giữa cái giá buốt của mùa đông miền Bắc, cái nóng nực của biên giới phía Nam, thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau tươi, gian khổ đủ đường.

Lực lượng biên phòng đã được tăng cường chốt chặn trên các đường mòn lối mở, nhưng với đường biên giới hàng nghìn km ở phía Bắc và phía Nam, đó dường như là một nỗ lực quá lớn để có thể chỉ một mình biên phòng hay an ninh cố gắng.

Đó phải là sự vào cuộc, trách nhiệm của toàn bộ người dân, của chính quyền các địa phương để không tiếp tay cho những kẻ nhập cảnh trái phép, hoặc đừng lơ là khi để những người nước ngoài này cư trú ngay trên địa bàn của mình rồi mà vẫn không phát hiện ra.

Nhưng thực tế không chỉ là người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Có rất nhiều người Việt đang cư trú, làm việc ở các nước láng giềng cũng đã tìm cách nhập cảnh trái phép hoặc trốn cách ly khi trở về Việt Nam.

Lý do thì nhiều. Họ sợ bị cách ly thời gian dài, sợ không đủ tiền để trả phí cách ly, xét nghiệm, khám bệnh. Họ cũng sợ vì đã ra đi bất hợp pháp, không có giấy tờ, nên e ngại khi về sẽ bị phạt, bị giữ…

Chính phủ, cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước láng giềng cũng đã vận động rất nhiều để người Việt ở lại tại chỗ, hoặc nếu về thì về bằng đường chính ngạch.

Năm ngoái, việc nhập cảnh trái phép của người Việt là điểm nóng ở biên giới phía Bắc, thì năm nay là điểm nóng ở biên giới Tây Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.