Dịch bệnh đang tấn công học sinh

GD&TĐ - Trong khi sốt xuất huyết có xu hướng lan rộng ra cả nước với số người mắc và nhập viện tăng từng ngày thì tại TPHCM, bệnh tay chân miệng đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tại nhiều bệnh viện, bác sĩ quay cuồng khám điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết thì nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng phải thở máy cũng rất cần nhân viên y tế chăm sóc.

Dịch bệnh đang tấn công học sinh

Quay cuồng với dịch bệnh

Sốt xuất huyết dường như là nỗi sợ với cả người dân lẫn các bác sĩ hiện nay. Với xấp xỉ 91.000 ca mắc, bản đồ dịch tễ bệnh sốt xuất huyết đang lan rộng ra cả nước.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã vượt TPHCM và trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số mắc. Theo Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long, Hà Nội hiện có gần 19.000 ca sốt xuất huyết còn TPHCM đứng thứ 2 với 18.200 bệnh nhân. Với tốc độ lây lan dịch nhanh nhất, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận từ vài trăm đến 1.000 ca. Dịch tập trung chủ yếu ở các quận nội thành song đang có chiều hướng lan ra các quận ngoại thành. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 7, có ngày lên đến 1.000. Không chỉ có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mà các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều rơi vào tình trạng quá tải, y bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ.

Điểm khác biệt trong vụ dịch năm nay là ở khu vực phía Nam, người mắc bệnh phần lớn là trẻ nhỏ thì tại Hà Nội lại chủ yếu là người lớn. Có lẽ, lâu ngày không có vụ dịch lớn ở phía Bắc nên quần thể dân cư không có sức đề kháng hoặc đề kháng yếu với căn bệnh này. Dịch sốt xuất huyết dịch chuyển về phía Bắc do Trái đất nóng lên cộng với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Trong khi dịch sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu thuyên giảm thì tại TPHCM, số ca mắc tay chân miệng phải nhập viện gia tăng và dự báo sẽ tăng tốc khi học sinh, sinh viên bắt đầu đến trường. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, đến đầu tháng 8, thành phố có gần 3.000 ca mắc tay chân miệng. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày điều trị cho khoảng 50 - 60 trẻ bị tay chân miệng, tăng gấp đôi so với tháng trước. Trong đó, luôn có khoảng 2 - 3 trẻ bị tay chân miệng độ 3 và có những trẻ bị nặng phải thở máy. Tương tự, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã điều trị ngoại trú cho hơn 2.000 ca tay chân miệng.

Còn tại Hà Nội, thời gian gần đây, ngoài sốt xuất huyết, số lượng bệnh nhân nhi mắc các bệnh virus, cúm, tiêu chảy do rotavirus… tăng đột biến. Theo TS.BS Lương Thị Thu Hiền - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (Bệnh viện E), trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị cho 30 - 40 trường hợp bệnh nhân nhi mắc các bệnh trên. Với bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp, khi nhập viện thường là muộn, do gia đình không tự hạ nhiệt được nên mới phải nhập viện, lúc này các cháu sốt rất cao, có cháu đã bị co giật.

Trường học cần chủ động chống dịch

Để dập dịch, hiện Hà Nội vẫn duy trì các biện pháp diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, đồng thời truyền thông để người dân hiểu rõ cách chống dịch cũng như biện pháp theo dõi người mắc và điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình. Nhưng trên thực tế, mới có 90% hộ gia đình trong khu vực có chiến dịch chủ động tham gia. Vẫn còn 10% vì nhiều lý do như vắng nhà, không cộng tác vì trong nhà có trẻ em… nên lực lượng phòng chống dịch chưa thể tiếp cận.

Năm nay, thời tiết Hà Nội mưa nhiều, nước đọng khắp nơi tạo thuận lợi cho muỗi đẻ trứng cộng với đâu đâu cũng có công trường xây dựng - là những nơi lý tưởng cho muỗi làm ổ và sinh sản. Hơn nữa, sắp tới học sinh các trường CĐ, ĐH về nhập học. Việc các em chưa có miễn dịch thì nguy cơ bùng phát dịch càng cao. Tương tự, TPHCM đang vào mùa mưa, sinh viên các nơi chuẩn bị đổ về thành phố nhập học cũng sẽ mang theo mầm bệnh hoặc nguy cơ mắc bệnh. Mặt khác, việc bệnh nhân sốt xuất huyết và tay chân miệng cùng tăng và điều trị tại một cơ sở cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TPHCM và đặc biệt là Hà Nội có biện pháp tổng thể huy động các cấp, ngành coi đây là trách nhiệm của mình cùng tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết, cũng như cần sử dụng các biện pháp để diệt loăng quăng. Năm học mới sắp đến, các em học sinh đi học trở lại cũng là lúc thời tiết mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành Giáo dục cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học. Các trường học cũng chủ động trong việc phòng dịch thông qua việc huy động giáo viên vệ sinh trường lớp, môi trường xung quanh, diệt loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi, lau chùi bàn ghế, đồ dùng học tập và theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày. Bên cạnh đó, tuyên truyền để phụ huynh, sinh viên hiểu về diễn biến dịch cũng như cách ứng phó. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị đội thanh niên tình nguyện, đoàn thanh niên các trường học, các địa phương cần tăng cường ra quân mạnh mẽ để tuyên truyền cho bạn học trong trường, cũng như người dân dọn dẹp những nơi có nguy cơ là ổ dịch.

Hiện Hà Nội đã thành lập trên 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 63.000 người; hơn 4.600 tổ giám sát. Trong hai ngày ra quân đầu tiên của các đội xung kích diệt bọ gậy, đã có gần 200.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy được phát hiện tại hơn 567.000 hộ gia đình. Điều này cho thấy, cứ 3 gia đình được kiểm tra thì có hơn 1 gia đình có ổ chứa giúp muỗi truyền sốt xuất huyết đẻ trứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.