Theo cô Hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện, nhà trường quy hoạch khuôn viên theo mô hình sinh thái giáo dục, thiết kế đồi, núi, thác nước, sử dụng nước sạch, hệ thống cống thoát nước, xử lý nước thải; vườn thực nghiệm, cảnh quan không chỉ luôn xanh, sạch đẹp mang lại giá trị về giáo dục mà còn mang lại giá trị về kinh tế, xã hội, giá trị tinh thần…
Mô hình sinh thái của nhà trường gồm khu trồng cây ăn quả; khu trồng hoa; khu trồng các cây địa phương theo mùa; khu trồng cây thuốc nam. Mỗi loài cây được bố trí trồng theo các nhóm thực vật được gắn tên địa phương và tên khoa học (Tiếng Việt và tiếng Anh)… Hiện trường đã và đang ươm trồng các loại cây của khắp mọi miền đất nước, kể cả một số loài cây ở nước ngoài.
“Mô hình này không chỉ làm đẹp không gian trường học với đa dạng cây xanh, cây cảnh; mà còn giúp học sinh rèn kỹ năng sống, học tập, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, sống thân thiện, có văn hóa,... Học sinh được học, nghiên cứu về thực vật; sâu hơn nữa là được nghiên cứu, biết tên khoa học từng loại cây, cũng như công dụng của chúng trong cuộc sống” - cô Nguyện cho hay.
Khu sinh thái giáo dục là địa chỉ giúp giáo viên tổ chức học tập, trải nghiệm ngoại lớp học vô cùng tuyệt vời. Ví dụ, môn học Mỹ thuật, học sinh có thể ra ngoài vườn trường để vẽ lá, hoa, quả... Nhờ vậy, tiết học thực tế ngoài trời sinh động, hấp dẫn hơn; học sinh cũng không phải bứt lá, bẻ cành đem vào lớp học, mất vệ sinh, mỹ quan, ảnh hưởng tới môi trường…
Hoặc sau tiết học công nghệ, học sinh có thể ra vườn thực nghiệm. Tại đây, học sinh được trải nghiệm, nâng cao hiểu biết về đất trồng, kỹ thuật trồng, được thực hành để hiểu hơn bài học, có vốn sống thực tiễn.
Học sinh cũng được quan sát cảnh quan của trường: Khu thực nghiệm vật lý - hóa học, đài phun nước (học sinh hiểu về lực đẩy, lực hút, bình thông nhau), khu đồi thông, khu đồi cọ, khu vườn thực nghiệm, vườn hoa, cây ăn quả, vườn rau... (học sinh hiểu thêm về thực vật, mô hình đồi, môi trường sống của cây, hình dạng của cây lá, khả năng sinh trưởng phát triển, cách thức chăm bón, công dụng của các loài cây… để nghiên cứu, học tập).
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tế địa phương. Như tại làng nghề truyền thống chiếu cói, cơ sở sản xuất chiếu cói, học sinh được thực nghiệm, hiểu biết về làng nghề, về kinh doanh, về đất nông nghiệp phù hợp trồng cói như thế nào? Đặc điểm thổ nhưỡng của đất canh tác địa phương, phù hợp các loại cây trồng gì? Giúp học sinh nâng cao hiểu biết, vận dụng vào cuộc sống...
Với mô hình sinh thái giáo dục, cảnh quan nhà trường không chỉ được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp mà còn mang đậm tính khoa học, thẩm mỹ, bền vững và giáo dục. Trực tiếp tham gia thực hiện xây dựng mô hình sinh thái giáo dục, học sinh được trang bị một vốn kiến thức phong phú, cơ bản về sinh vật học, về tình yêu và trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Và đó cũng chính là một trong những hành trang cơ bản để khi vào đời học sinh có thể ươm trồng và làm xanh tươi hơn những kiến thức ấy tại nơi mà các em sẽ đến sống, làm việc và công tác.
Mô hình sinh thái giáo dục cũng giúp học sinh tìm hiểu được tập tính, khả năng thích nghi, quá trình sinh trưởng, ý nghĩa, công dụng của từng loài cây. Qua các loài cây có trong và ngoài nước, giúp học sinh tìm hiểu xa hơn về thế giới… Ngoài kiến thức về khoa học môn Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Lịch sử, Văn học, Tiếng Anh, thầy cô còn gửi tới học trò thông điệp cách làm người; ý chí, khát vọng vươn lên…
“Học sinh thực sự thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Các em không bị áp lực, sợ bị nhắc nhở, phê bình vào tiết sinh hoạt đầu tuần và cuối tuần. Qua các sân chơi đa dạng phong phú, vừa tiết kiệm kinh phí và thời gian cho nhà trường, vừa tạo không gian để học ính trải nghiệm, đồng cảm, xây dựng được mối quan hệ thân thiện với môi trường, bạn bè; từ đó tự tin, biết tổ chức sự kiện, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết một vấn đề…” – cô Bích Nguyện chia sẻ.