Nộp phí vi phạm qua mạng
Ngày 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với đại biểu bộ, ngành, cơ quan liên quan đến nội dung thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Một trong những nội dung đáng chú ý là việc triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX); thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng kí phương tiện giao thông đường bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm VPCP cho biết, ngày 12/3, dự kiến sẽ khai trương bước đầu tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Bình Thuận. Cụ thể, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, về văn bản quy phạm pháp luật và quy trình thực hiện đều không khó khăn.
Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên đề nghị về xử lý vi phạm hành chính sẽ triển khai trước ở các địa phương nói trên. Đây đều là những địa phương chiếm tỉ lệ vi phạm hành chính cao, sau đó từ tháng 6 triển khai toàn quốc. Ông Đức cũng cho biết, hiện các bên liên quan về cơ bản thống nhất quy trình nghiệp vụ, nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều.
Minh bạch hơn
Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV – cho biết, hiện nay, các hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ Nhà nước và Chính phủ trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ công. Ông Lực cho biết, việc thanh toán không tiền mặt đã được Chính phủ ban hành từ năm 2016.
Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều các dịch vụ công như trả lương, tiền điện, nước... đã được thực hiện thanh toán trên hệ thống điện tử và không có gì vướng mắc. Khi quy trình này được đưa vào thực tế, hệ thống sẽ phối hợp ba bên gồm đơn vị ra quyết định phạt vi phạm hành chính, ngân hàng và người vi phạm hành chính.
Liên quan đến việc nộp phạt phí giao thông, trong vòng 1 - 2 năm vừa qua, Chính phủ liên tục thúc đẩy thanh toán điện tử. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến cho việc này chưa thể triển khai ngay. Trong đó có việc triển khai chưa được mạnh mẽ và Bộ Giao thông Vận tải xin cho giãn tiến độ trong năm 2020.
Đầu năm nay, nhân đà liên quan đến dịch bệnh, cộng với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, Thủ tướng chính thức yêu cầu phải thúc đẩy việc nộp phí vi phạm giao thông qua hệ thống thanh toán điện tử.
TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Động thái này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay và việc triển khai không có gì vướng mắc. Vấn đề là quyết tâm của những người đứng đầu, đặc biệt là cơ quan thu phí. Về phía ngân hàng và người nộp phí đều cảm thấy đây là việc thuận lợi”.
“Khi thực hiện việc thu phí vi phạm giao thông sẽ tạo ra ít nhất 3 lợi ích. Một là giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi nộp phạt. Thứ hai là tăng tính minh bạch, giảm bớt hiện tượng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. Thứ ba là góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và đóng góp vào chủ trương số hóa nền kinh tế” – ông Lực nhận định.
Ủng hộ chủ trương của Chính phủ
Ông Nguyễn Văn Quyền - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đại diện cho các tài xế và doanh nghiệp vận tải, cũng cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và hiệp hội ủng hộ.
Trước đó, ông Quyền từng trả lời báo chí cho biết, đang có quá nhiều bước khiến người dân phải chạy theo cơ quan chức năng để giải quyết. Cụ thể, sau khi bị xử phạt (bước 1) người dân được phát một giấy hẹn theo lịch làm việc của cơ quan chức năng để đến làm thủ tục, ra biên bản xử phạt (bước 2). Từ biên bản xử phạt, người dân phải tìm đến ngân hàng nộp tiền phạt, sau đó mang biên lai trở lại trụ sở xử phạt (bước 3).
Từ đây cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ các giấy tờ có liên quan và hẹn ngày đến lấy (bước 4). Đúng hẹn, người dân đến làm thủ tục nhận lại giấy tờ (bước 5). Để giải quyết được 5 bước, người dân phải mất ít nhất 1 tuần hoặc nửa tháng chờ giải quyết, tiếp đó là thời gian chờ đợi để được đến nhận lại giấy tờ bị tạm giữ.
Trả lời Báo Giáo dục và Thời đại về việc thanh toán phí phạt vi phạm giao thông qua hệ thống online có tác động như thế nào đến các tài xế nói riêng và Hiệp hội nói chung, ông Quyền cho biết, quan điểm chung của hiệp hội là ủng hộ việc nộp phí vi phạm gia thông online. Tuy nhiên, về chi tiết thì cần phải có thêm nhiều thông tin để biết được việc thanh toán này tác động đến thành viên của hiệp hội như thế nào.
“Bên hiệp hội đang cần tính toán tỷ lệ anh em sử dụng điện thoại, kỹ năng (sử dụng tài khoản ngân hàng - PV), tài khoản ngân hàng tài xế, tài khoản của doanh nghiệp... Đồng thời còn xem xét loại vi phạm nào doanh nghiệp sẽ thanh toán, loại vi phạm nào cá nhân tài xế phải chịu. Tuy nhiên, về chủ trương chung, Hiệp hội Vận tải nhất trí ủng hộ hình thức này” - ông Quyền chia sẻ.