Ngăn đà doanh nghiệp rời thị trường

GD&TĐ - “Sức khoẻ” của doanh nghiệp rất đáng báo động, với con số doanh nghiệp rời khỏi thị trường gia tăng.

Cần giải pháp linh hoạt từ chính sách để giúp các doanh nghiệp ổn định “sức khoẻ”.
Cần giải pháp linh hoạt từ chính sách để giúp các doanh nghiệp ổn định “sức khoẻ”.

Hơn 60.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường

Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 41.097 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt khác, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng năm 2024 là 22.128 doanh nghiệp, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký thành lập trong 2 tháng năm 2024 đạt 218.713 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong tháng 2/2024 số doanh nghiệp rời thị trường đã giảm mạnh so với tháng 1/2024 song tính chung cả hai tháng vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Cụ thể, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng trong tháng với hơn 5.140 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (tăng 35,3% so với cùng kỳ); 2.150 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (giảm 18,3%) và 1.500 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (tăng 29%).

Tính chung 2 tháng đầu năm, cả nước có 62.977 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 49.272 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023; 10.034 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là, tăng 6,5% so với cùng kỳ và 3.671 doanh nghiệp giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, thông thường, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thời điểm đầu năm thường thấp hơn so với các tháng giữa năm và cuối năm do rơi vào các tháng Tết có số ngày nghỉ dài.

Dù thấp hơn các giai đoạn khác song số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường là xu hướng đi ngược so với trước đây.

Điều này cho thấy, sức lực của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên suy kiệt sau hơn hai năm phải cố gắng bươn chải duy trì hoạt động sau Covid-19 và ứng phó với các yếu tố khó khăn bên ngoài.

“Kể từ sau Covid-19, những khó khăn của doanh nghiệp chưa bao giờ hết như đầu ra gặp khó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, lãi suất cao… Sang năm 2024, những khó khăn này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp nhỏ, mà còn tác động đến ngay cả doanh nghiệp có quy mô lớn”, bà Thảo thông tin.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, qua theo dõi hàng năm, số doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại, do là thời điểm kết thúc năm tài chính nên doanh nghiệp xem xét còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động hay không.

Tuy vậy, so với các tháng cuối năm 2023 (mỗi tháng có khoảng 11.000 - 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường) số doanh nghiệp rút lui trong 2 tháng đầu năm nay lên tới 31.500 doanh nghiệp, gấp hơn hai lần. Điều này cho thấy những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 chưa giảm bớt mà vẫn kéo dài sang năm 2024.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đã chạm đáy khó khăn nhưng vấn đề ở đây là đáy này như thế nào, đáy một điểm để rồi bật tăng trở lại hay đáy kéo dài? Chuyên gia kinh tế Lê Bảo Long nhìn nhận, đáy mà nền kinh tế và doanh nghiệp đang phải đối mặt là đáy kéo dài, có thể là trong một vài quý tới. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để vực dậy nền kinh tế hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy khó khăn và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sẽ tiếp tục tăng.

Nhìn nhận thực tiễn từ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, chuyên gia Lê Bảo Long cho biết, bên cạnh vấn đề về tiếp cận vốn, những quy định thuế và thực thi thuế đang khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”.

Theo phản ánh của các hiệp hội, hiện có tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng của ngành dăm gỗ; mức thuế giá trị gia tăng chưa hợp lý của ngành phân bón; hay khó khăn trong đóng thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp ngành giấy cần thu mua phế liệu và doanh nghiệp một số ngành cần thu gom cát sỏi, gạch đá...

“Năm 2024 là thời điểm cần tiếp tục khoan thư sức dân, sức doanh nghiệp hơn bao giờ hết để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của doanh nghiệp cũng như tổng thể nền kinh tế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều bất định của thế giới, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt các chính sách này cần phải ổn định và thuận lợi khi tiếp cận.

Lãnh đạo của VCCI đề xuất, một trong những chính sách cần tiếp tục thực hiện trong năm nay, đó là kéo dài chính sách hỗ trợ thuế, phí như tiếp tục gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm vì đây là chính sách quan trọng và hiệu quả cao không chỉ hỗ trợ người tiêu dùng qua giảm thuế mà còn giúp sản xuất kinh doanh sôi động.

“Đối với những chính sách hỗ trợ về giảm thuế phí thì doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được ngay, còn những chính sách hỗ trợ về vốn nếu không thực chất thì mức độ ảnh hưởng lan tỏa ít. Đây là bài học để chúng ta thiết kế chính sách cho doanh nghiệp trong năm 2024”, ông Tuấn nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.