Doanh nghiệp 'ra quân', mở cơ hội việc làm

GD&TĐ - Trong không khí hân hoan của năm mới, ở nhiều địa phương người lao động trở lại làm việc sau Tết đạt gần 100%.

Lãnh đạo TP Hà Nội thăm hỏi, động viên người lao động ngày đầu Xuân.
Lãnh đạo TP Hà Nội thăm hỏi, động viên người lao động ngày đầu Xuân.

Cùng với đó hàng trăm ngàn vị trí tuyển dụng chờ người lao động hứa hẹn một năm kinh tế “bứt phá”, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh đặt ra.

Kỳ vọng đầu Xuân

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hầu hết các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP Hà Nội đã “khai Xuân” trở lại làm việc. Vui mừng vì được tăng ca thêm 3 giờ làm việc/ngày tại Công ty TNHH Tamron Opitacal Việt Nam, anh Bùi Đức Huy (quê Nam Định) cho biết, hầu hết các công nhân trong công ty mong muốn có việc làm đều, thậm chí cố gắng tăng ca để có thêm thu nhập.

Hiện, trung bình thu nhập mỗi tháng tại công ty vào khoảng 12 triệu đồng, bao gồm tăng ca, theo anh Huy, số tiền vừa đủ cho sinh hoạt gia đình. Nhưng để lo cho mái ấm lâu dài rất mong thành phố tiếp tục xây dựng loại hình nhà ở xã hội, để công nhân được thuê, mua, qua đó giúp công nhân an cư lạc nghiệp.

May mắn vì nhà gần chỗ làm, anh Tạ Văn Thanh là công nhân một công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện máy móc vốn FDI Nhật Bản (KCN Sóc Sơn, Hà Nội) bày tỏ, không mất điện, có việc làm đều là mong muốn của anh và đồng nghiệp trong năm 2024. Anh Thanh chia vui, với thu nhập từ 8 - 12 triệu/tháng (cả tăng ca) cơ bản giúp anh đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình.

Tuy nhiên, anh Thanh cũng như nhiều gia đình trẻ khác đang nuôi con nhỏ ăn học nên tiền tích lũy không được bao nhiêu. Ngoài học phí còn tiền bán trú, tiền sách vở, đồ dùng học tập, khi ốm đau… lại thêm nhiều khoản chi phí. “Ngay đầu năm mới 2024 đã tăng ca thường xuyên, tôi hy vọng công việc đều để tăng thu nhập...”, anh Thanh bày tỏ.

Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động của công ty đến từ các địa phương trong cả nước, đa phần họ đau đáu, mong mỏi chỗ ở, chỗ học cho con.

Do vậy, mong muốn Nhà nước, TP Hà Nội có thêm những chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê cũng như dành riêng quỹ đất cho đối tượng người lao động. Qua đó thúc đẩy nhà ở xã hội cho công nhân cũng như xây thêm trường học, cơ sở y tế cho công nhân trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Có mặt động viên cán bộ, công nhân làm việc tại Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ, kỳ vọng tiếp tục khởi sắc với doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài).

“Năm 2023 vừa qua, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước rất khó khăn, song kinh tế TP Hà Nội vẫn tăng trưởng được 6,28%. Sự tăng trưởng đó có những đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vốn FDI đầu tư tại Việt Nam nói riêng. Trong đó có Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam...”, ông Phong nói.

Cùng với phát triển sản xuất, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận công tác chăm lo đời sống, tinh thần đến với đội ngũ người lao động và chấp hành pháp luật, đóng góp ngân sách của Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị, phía công ty tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như chính sách cho người lao động.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị chính quyền địa phương cùng các ban ngành, đoàn thể liên quan quan tâm tạo điều kiện quỹ đất triển khai dự án nhà ở cho công nhân cũng như giao lưu gắn kết công đoàn các doanh nghiệp trong KCN.

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động sau Tết. Ảnh minh họa

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động sau Tết. Ảnh minh họa

Hàng trăm ngàn vị trí việc làm

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình lao động trong các doanh nghiệp sau Tết cơ bản ổn định với 100% lao động đã trở lại làm việc.

Trong Tết Nguyên đán 2024 có khoảng 5.000 lao động ở Bắc Giang vẫn làm việc để vận hành máy móc hoạt động 24/7. Qua nắm bắt, có hai nhóm lao động trở lại làm việc sau Tết.

Nhóm 1 là đơn vị có kế hoạch sản xuất, kinh doanh sớm hoặc ở các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Ninh nên công việc bắt đầu từ ngày 16/2 đến 18/2. Nhóm 2 là người lao động ở xa, một số chuyên gia nước ngoài trở lại làm việc từ đầu tuần tới.

Theo ông Hà, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp khoảng 1,5 tháng trước và sau Tết Nguyên đán không quá căng thẳng do qua giai đoạn cao điểm để xuất khẩu hàng đi Mỹ, châu Âu phục vụ Noel, năm mới.

Tuy vậy, các doanh nghiệp điện - điện tử, sản xuất pin năng lượng mặt trời, cơ khí - chế tạo, công nghệ cao như chất bán dẫn vẫn có nhu cầu tuyển dụng từ quản lý, công nhân kỹ thuật cho tới lao động phổ thông.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, địa phương đang lên kế hoạch xúc tiến lao động, cử các đoàn công tác tuyển lao động ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Sơn La để đón đầu cao điểm sản xuất vào giữa năm.

Đồng thời, Bắc Giang khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở đào tạo để cử chuyên gia hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn thực tập, tuyển dụng sinh viên mới ra trường; thu hút đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân…

Về nhu cầu việc làm trong năm 2024 tại Bắc Giang, ông Trần Văn Hà cho biết, các doanh nghiệp cần tuyển hơn 100.000 lao động, riêng quý I/2024 cần tuyển khoảng 20.000 người.

“Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhiều lao động như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Công ty TNHH Luxshare - ICT, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Bắc Giang), Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam, Công ty TNHH Seojin Việt Nam, Công ty TNHH Ce Link Việt Nam...”, ông Hà thông tin.

Tương tự, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương, năm 2024, qua khảo sát gần 400 doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng khoảng 54.000 người. Sở này cũng cho hay, so với năm 2023, số này tăng 9.000 chỉ tiêu, chủ yếu là lao động phổ thông do cải thiện đơn hàng, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Lĩnh vực cần tuyển người mới gồm dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…

Còn tại TP Hà Nội, ông Lê Quang Long, Trưởng ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội cho biết, từ ngày 15/2 (tức mồng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) có trên 60% doanh nghiệp trong tổng số 710 doanh nghiệp thuộc các KCN hoạt động trở lại sau Tết.

Qua thống kê có khoảng 96% lao động của các doanh nghiệp đã hoạt động quay trở lại làm việc. Theo ông Long, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp dịp đầu năm là có nhưng chưa thống kê cụ thể...

Năm 2024 được dự báo vẫn còn những khó khăn, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, cùng với những chính sách điều hành kinh tế linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ thực chất của chính quyền địa phương, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp bứt phá, đạt được những kết quả cao trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ