Tuy nhiên, thực tế, Covid-19 vẫn có nguy cơ trở lại với biến chủng mới. Do đó, việc duy trì miễn dịch bằng các liều tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 được cho là rất quan trọng.
Đẩy mạnh tiêm vắc-xin
Trong công điện ngày 10/6, Bộ Y tế thống kê 9 tỉnh chưa tiếp nhận hết vắc-xin Covid-19 được phân bổ gồm: Điện Biên, Hà Nam, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu. Bên cạnh đó, có 4 tỉnh xin chuyển lượng lớn vắc-xin gồm Đồng Nai, Quảng Ngãi, Cà Mau, Thanh Hóa.
Trong khi đó, các vắc-xin được phân bổ có hạn sử dụng đến ngày 30/6. Bộ Y tế không công bố số lượng vắc-xin được phân bổ cho các tỉnh này. Tuy nhiên, nếu vẫn không được tiếp nhận và sử dụng kịp thời, vắc-xin sẽ hết hạn và bị hủy bỏ, gây lãng phí lớn.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh tiếp nhận, sử dụng ngay số vắc-xin đã được phân bổ và tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng. Địa phương nào không tiếp nhận vắc-xin để tiêm chủng, không rà soát đủ người thuộc diện phải tiêm chủng, để dịch bệnh lây lan trên địa bàn phải chịu trách nhiệm. Đối với tiêm mũi 4, các địa phương phải tổ chức triển khai tiêm ngay cho các nhóm theo hướng dẫn.
Trước đó, chiều 4/6, tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc tiêm vắc-xin Covid-19 đúng lịch, đủ liều rất quan trọng.
Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, vắc-xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện. Vì vậy, mọi người có quyền sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng. Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng.
Đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế với các bệnh có vắc-xin phòng bệnh.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, bệnh chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin và độ tuổi trẻ em thuộc diện tiêm chủng mở rộng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các nhóm được tiêm mũi 4 là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19, cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, địa phương nào có đủ các nhóm như trên thì tiến hành tiêm theo hướng dẫn. Địa phương nào không đủ thì tiêm theo nhóm thực có. Cần thiết lập các điểm tiêm lưu động, đến trường học, cụm công nghiệp để tiêm.
Dịch bệnh có nguy cơ trở lại
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - khẳng định, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là hết sức quan trọng. Bởi, dịch bệnh vẫn đang hiện hữu, trong khi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm dần theo thời gian.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) - cho biết, hiện nay, thành phố ghi nhận khoảng 20 - 30 trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát để tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Điều này đã khiến một số người dân chủ quan, nghĩ rằng dịch đã kết thúc không cần phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nữa. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì vẫn có nguy cơ Covid-19 trở lại với biến chủng mới. Theo ông Tâm, việc duy trì miễn dịch bằng các liều tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 là rất quan trọng.
Theo HCDC, duy trì miễn dịch cho cộng đồng chính là giải pháp để bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, để duy trì sự ổn định, phát triển kinh tế, phòng dịch Covid-19 có thể quay lại.
Đặc biệt, duy trì miễn dịch cho người lao động tại nơi sản xuất kinh doanh là giải pháp để truy trì sự ổn định, phát triển kinh tế. Tổ chức tiêm nhắc cho người lao động để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể quay lại.
HCDC cảnh báo, việc chủ quan là rất nguy hiểm vì dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Do đó, việc thực hiện tiêm chủng khi đến lịch tiêm nhắc lần 1, lần 2 sẽ góp phần không để dịch trở lại.
Mũi tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng hoặc tử vong. Mũi nhắc lại vắc-xin có thể tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã suy yếu theo thời gian, sau khi tiêm các liều cơ bản và bổ sung.