Sự thay đổi của virus
TS.DS Tạ Thanh Sơn - Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg (Đức) cho biết, thuốc chủng ngừa cúm cần được cập nhật hằng năm để bảo vệ chống lại các virus cúm mới. Trong khi đó, không ít người đặt ra câu hỏi, liệu với Covid-19, việc tiêm vắc-xin hằng năm có cần thiết?
“Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Y khoa Charité - Berlin đã so sánh sự tiến hóa của virus Corona gây bệnh cảm thông thường với sự tiến hóa của virus Influenza gây cảm cúm. Các kết quả nghiên cứu đã giúp đưa ra tiên lượng rằng, việc cập nhật vắc-xin thường xuyên sẽ là cần thiết trong thời gian đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, sau một vài năm, thời gian hiệu lực của vắc-xin có thể kéo dài lâu hơn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành Virus Evolution”, TS Sơn dẫn chứng.
Theo chuyên gia này, virus Influenza là một chủng biến đổi rất nhanh và giỏi né tránh phản ứng miễn dịch của con người. Sự thay đổi này nhanh đến mức, các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch sau một lần nhiễm trùng hoặc tiêm phòng trước đó không thể nhận ra chúng.
“Điều này đòi hỏi sự thay đổi và thích nghi của vắc-xin theo tình hình thực tế mỗi mùa cúm. Virus SARS-CoV-2 cũng đã tạo ra nhiều loại đột biến khác nhau, một trong số đó là biến chủng Omicron từ Nam Phi.
Biến chủng Omicron làm suy yếu một phần phản ứng miễn dịch và từ khi xuất hiện đã lan truyền rất mạnh mẽ. Do đó, các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 đầu tiên đã và đang phát triển các phiên bản vắc-xin mới của họ”, TS Sơn chia sẻ.
Có thể tiêm nhắc vài năm một lần
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bao trùm lên tất cả hoạt động của ngành y tế là tiêm chủng. Do đó, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3, tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, chuẩn bị tiêm mũi 4 cho một số nhóm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, trong Thông báo 114 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi 4 cho các nhóm trong chỉ định tiêm. Đặc biệt là các nhóm rủi ro cao như người cao tuổi, có bệnh nền, người lao động tại các khu công nghiệp, đô thị lớn...
Theo chuyên gia này, cây phả hệ được tính toán của cả virus Corona và Influenza có điểm chung là có hình dạng cầu thang rõ rệt. Một cây phả hệ không đối xứng như vậy có nghĩa là một dòng virus đang lưu hành thường xuyên được thay thế bằng một dòng khác. Bởi, nó có lợi thế sống sót tốt hơn.
“Đây là một bằng chứng của sự thay đổi liên tục trong cấu trúc bề mặt mà qua đó, virus né tránh phản ứng miễn dịch của con người. Các virus Corona tiến hóa và thoát khỏi hệ thống miễn dịch giống virus Influenza gây cảm cúm.
Các loại virus Corona thông thường thay đổi chậm hơn bốn lần so với virus Influenza. Qua đó, cũng có thể dự đoán rằng, SARS-CoV-2 cũng có thể có tốc độ thay đổi chậm hơn virus Influenza gây cảm cúm”, TS Sơn chia sẻ.
Tốc độ tiến hóa của SARS-CoV-2 hiện được ước tính vào khoảng 10 đột biến trên 10.000 thành phần di truyền mỗi năm. Con số này cao hơn nhiều so với các loại virus Corona thông thường. Theo chuyên gia này, lý do chính là vì tỷ lệ lây nhiễm cao trong đại dịch. Cụ thể, ở những nơi có nhiều bệnh nhân bị nhiễm Covid-19, virus cũng có thể thay đổi nhanh hơn.
TS Sơn dẫn chứng, dựa trên tốc độ tiến hóa của các virus Corona gây bệnh cảm thông thường, các nhà khoa học đã đưa ra giả định rằng, SARS-CoV-2 cũng sẽ thay đổi chậm hơn ngay khi quá trình lây nhiễm giảm. Tức là, điều này sẽ xảy ra sau khi một phần lớn dân số toàn cầu đã xây dựng được khả năng bảo vệ miễn dịch, thông qua lây nhiễm virus hoặc tiêm chủng.
“Do đó, việc tiêm chủng Covid-19 sẽ cần được thường xuyên xem xét và điều chỉnh nếu cần thiết trong thời gian xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, ngay sau khi tình hình đã ổn định, các đợt tiêm chủng dự kiến có tác dụng kéo dài lâu hơn. Theo so sánh với chủng cúm phải tiêm hằng năm, vắc-xin Covid-19 có thể sẽ phải tiêm nhắc lại vài năm một lần để đạt được tác dụng tốt nhất”, TS.DS Tạ Thanh Sơn nhận định.