Ngăn chặn từ gốc tuyển sinh vượt chỉ tiêu

GD&TĐ - Một số cơ sở giáo dục ĐH đã bị phạt do tuyển sinh vượt năng lực, số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở mùa tuyển sinh trước.

Sinh viên Trường ĐH FPT. Ảnh minh họa: INT
Sinh viên Trường ĐH FPT. Ảnh minh họa: INT

Các chuyên gia cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ sở đào tạo ở mùa tuyển sinh năm nay.

Tiếp tục rà soát, xử lý sai phạm

Cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021. Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, việc xử lý các cơ sở đào tạo tuyển sinh không đúng quy định là việc thường niên của Bộ GD&ĐT.

“Chúng tôi luôn đề nghị các cơ sở giáo dục, đào tạo tăng cường công tác thanh tra nội bộ, giúp Hội đồng trường, Ban Giám hiệu phát hiện sớm những hạn chế, thiếu sót hoặc vi phạm của nhà trường để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Hệ thống thanh tra sẽ tiếp tục thanh tra, rà soát và xử lý nghiêm sai phạm các cơ sở đào tạo theo quy định pháp luật” – ông Cường nhấn mạnh.

Trường ĐH FPT nằm trong danh sách 78 đơn vị bị xử phạt vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu tối đa theo năng lực và tuyển sinh không đúng đề án đã công khai. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT chia sẻ, hằng năm khi tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học phải đối mặt với 3 tình huống: Tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, tuyển sinh đúng chỉ tiêu, tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường chủ yếu rơi vào 2 trường hợp. Còn để tuyển đúng, đủ 100% chỉ tiêu như đề án công bố rất khó.

“Năm 2022, quy trình lọc ảo tốt nhưng số thí sinh không nhập học vẫn lên đến hơn 15%. Những năm trước tỷ lệ ảo còn lên đến 40%. Điều này giống như bài toán vượt tốc độ 3% là phạt; trong khi đồng hồ đo tốc độ sai số 18%” - TS Lê Trường Tùng viện dẫn.

TS Lê Trường Tùng trao đổi, Chính phủ có quy định các trường được tuyển vượt 5% (2020 trở về trước), vượt 3% (2021 đến nay). Nếu các trường tuyển sinh vượt ít hơn thì không sao, vượt nhiều hơn thì năm sau sẽ bớt chỉ tiêu để bù lại. Các trường dựa vào quy định này để thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT thông tin, năm 2023, trường dự kiến tuyển hơn 15 nghìn chỉ tiêu. Từ việc bị xử phạt ở năm trước, trường sẽ cân đối và cân bằng chỉ tiêu theo quy định. Tuy nhiên, TS Lê Trường Tùng đề nghị: Cần tính toán lại con số 3%, bởi để tuyển đúng, phải tính đến số ảo và thực tế khó để tính đúng 3%, trong khi tỉ lệ ảo còn cao.

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh minh họa/ INT

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh minh họa/ INT

Không thể “xé rào”

Hiện nay, nguồn thu của các trường, đặc biệt trường tự chủ chủ yếu phụ thuộc vào học phí. Do đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu các trường tuyển không hết chỉ tiêu thì không đủ kinh phí chi trả cho bộ máy, đầu tư phát triển, mua sắm trang thiết bị... Trong khi đó, phương án tuyển sinh của các trường vài năm nay đều có tỉ lệ thí sinh ảo cao.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã áp dụng lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, nhưng tỉ lệ ảo vẫn ở mức 18%. Đây là con số thống kê trên hệ thống, chưa kể trong số thí sinh đã trúng tuyển có em không nhập học. Đây cũng là một trong những lý do khiến các trường “trừ hao” bằng cách gọi thí sinh nhập học vượt chỉ tiêu. Chưa kể, mỗi năm có khoảng 10% sinh viên thôi học.

Từ thực tế trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, việc xây dựng quy định chỉ tiêu đào tạo chỉ nên yêu cầu chặt về cơ sở vật chất phòng thí nghiệm để đảm bảo chất lượng thực hành. Nếu “siết” yêu cầu theo cơ học thì chưa phù hợp thực tế.

Không phủ nhận, có tình trạng một số trường chạy theo số lượng và lợi nhuận mà lơ là chất lượng, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, nếu năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có hạn nhưng tuyển sinh vượt quá năng lực sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng.

Vì mục tiêu chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực, cần xử phạt thật nghiêm để răn đe, ngăn chặn những vi phạm tiếp diễn ở mùa tuyển sinh 2023. Thậm chí, nếu trường nào “xé rào” tuyển sinh vượt quá với số lượng lớn thì có thể yêu cầu dừng tuyển sinh.

“Tôi ủng hộ những biện pháp mạnh (nếu cần) để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục củng cố niềm tin với xã hội. Kiên quyết không đánh đổi chất lượng lấy số lượng, bởi nếu chạy theo số lượng bỏ qua chất lượng thì hậu quả khó lường. Do đó, không thể buông lỏng quản lý chất lượng; phải có hướng xử lý đủ nghiêm minh với những trường hợp vi phạm” - GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, quy định về xác định tiêu có độ mở, thậm chí có biên độ để các cơ sở giáo dục đại học tuyển vượt chỉ tiêu trong giới hạn cho phép. Vì thế, khi vượt quá biên độ này, thì không khác gì vượt đèn đỏ giao thông. Đã là quy định thì các trường cần tuân thủ. Nếu thấy bất cập hoặc chưa phù hợp với thực tế thì có thể kiến nghị, đề xuất để sửa đổi bổ sung, chứ không nên “xé rào” tự ý tuyển vượt chỉ tiêu.

“Do đó việc xử phạt cần thiết để răn đe các trường không vì lợi ích trước mắt mà làm sai. Đây là hồi chuông cảnh báo cho các trường trước mùa tuyển sinh năm 2023. Về phía hiệp hội sẽ nhắc nhở, khuyến nghị để các trường thực hiện đúng quy định trong công tác tuyển sinh, đào tạo” - TS Lê Viết Khuyến trao đổi.

TS Lê Viết Khuyến cho biết: “Nếu phát hiện những trường là thành viên của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam vi phạm do tuyển sinh vượt năng lực, số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chắc chắn những trường này sẽ không nằm trong danh sách thi đua khen thưởng. Tùy từng mức độ, chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu cần).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.