Thuận lợi về chính sách
Khẳng định năm nay sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với các trường cao đẳng trong tuyển sinh, tuy nhiên NGND Hà Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội - cũng đưa ra một số thay đổi về chính sách có thể là cơ hội đối với các trường cao đẳng trong mục tiêu tuyển đủ sinh viên.
Các chính sách được nhắc tới là Thông tư 32 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học và hai dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ, thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT đang công bố, xin ý kiến dư luận.
NGND Hà Xuân Quang phân tích: Thông tư 32, Bộ GD&ĐT thêm một tiêu chí mới trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh là quy mô tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, quy mô sinh viên chính quy tối đa là không quá 8.000 sinh viên đối với cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành VI; không quá 5.000 sinh viên với cơ sở giáo dục đại học thuộc khói ngành II và khoogn quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc các khối ngành I, III, IV, V và VII.
Đặc biệt, cũng theo Thông tư này, cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp, trừ các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành I.
Đồng thời, cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.
Những quy định này chắc chắn sẽ có tác động tốt đối với việc tuyển sinh cao đẳng, dù ngay trong năm nay tác động thực tế chưa nhiều.
Ngay trong 2 dự thảo về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ GD&ĐT mới công bố cũng có những điểm mới có lợi cho các trường cao đẳng.
Điểm đáng lưu ý nhất là dự thảo này đưa quy định: Đối với trường cao đẳng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT, không phải theo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như các năm trước. Nếu quy định này được đưa vào áp dụng sẽ là cơ hội giúp các trường cao đẳng tăng nguồn đầu vào.
Ngay cả việc giảm số nguyện vọng của thí sinh (đợt 1 được đăng ký 2 trường, 2 nguyện vọng; các đợt sau được đăng ký 3 trường, 2 nguyện vọng) khiến thí sinh trước khi đăng ký trường, ngành học, kể cả đại học hay cao đẳng cũng phải suy nghĩ kỹ. Đó cũng là một yếu tố tác động.
"Tất nhiên, bên ngoài các yếu tố khách quan từ chính sách, các trường chắc chắn đều phải có những phương án để thu hút thí sinh cũng như tạo sự hấp dẫn cho người học.
Nếu xét cả một quá trình lâu dài, tác động của chính sách chỉ là hỗ trợ, còn cái quyết định vẫn là nội lực của các trường. Đây đang là giai đoạn quá độ, các chính sách cũng đang thay đổi, thị trường đang ở giai đoạn thăm dò. Khi ổn định rồi, trường nào cung cấp được sản phẩm chất lượng sẽ thu hút được người học" - NGND Hà Xuân Quang chia sẻ.
Có lợi thế về cơ sở vật chất, đội ngũ, Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội đang cố gắng vượt ra khỏi cơn khủng hoảng tuyển sinh |
Giải pháp lâu dài: Thu hút bằng chất lượng
Theo ghi nhận, trong mùa tuyển sinh năm nay, những hình thức quảng bá hay giới thiệu về trường để tuyển sinh của các trường cao đẳng không có gì thay đổi đột phá.
Điều này, có lẽ xuất phát từ một thực tế là người học hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin, họ không chỉ tin vào những giới thiệu, quảng bá trong kỳ tuyển sinh mà thường nghiên cứu rất kỹ về môi trường mình sẽ theo học, xem ở đó chất lượng đào tạo ra sao, cơ hội việc làm sao khi ra trường như thế nào... Do đó, trường có thương hiệu, uy tín vẫn thu hút được người học.
Do đó, câu chuyện cần thu hút học sinh bằng chất lượng được Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội nhắc đến như một giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.
"Chúng tôi quan niệm, phải xuất phát từ gốc là chất lượng. Cụ thể như với Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội là truyền thống đào tạo 55 năm, từng là địa chỉ đào tạo trung cấp kinh tế đứng đầu cả nước, được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao.
Hiện nay, điều kiện đảm bảo chất lượng của nhà trường cũng tốt với trên 60% đội ngũ trình độ thạc sĩ trở lên; 3 cơ sở đào tạo trong đó 2 cơ sở ở Hà Nội với các vị trí thuận lợi cho học tập và làm việc. Đầu ra cho sinh viên được quan tâm và có nhiều thuận lợi... Đó là điều tạo ra cho nhà trường sự khác biệt" - NGND Hà Xuân Quang chia sẻ.
Tiếp tục nhấn mạnh chiến lược tuyển sinh về lâu dài vẫn là chất lượng, nhưng Hiệu trưởng Hà Xuân Quang cho rằng, việc có thể làm ngay là phải làm sao tiếp cận được với đối tượng có nhu cầu bằng các kênh khác nhau. Có thể trực tiếp đến tiếp xúc, tư vấn tại các nhà trường (hạn chế vì liên quan đến nguồn lực); qua kênh truyền thông, báo đài, đặc biệt tận dụng lợi thế từ internet (qua website, facebook, email…).
Nói về phương án tuyển sinh của Trường cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội năm nay, NGND Hà Xuân Quang cho biết trường vẫn giữ ổn định phương thức như năm 2015: Xét tuyển qua học bạ THPT và kết quả kỳ thi THPT quốc gia với tổng chỉ tiêu 4.500 các hệ đào tạo cao đẳng chính quy; liên thông liên kết bậc cao đẳng và trung cấp.
Nhà trường cũng có một số chính sách hỗ trợ, như sinh viên thủ khoa, á khoa vào các ngành trong trường kỳ tuyển sinh năm nay sẽ được cấp học bổng hấp dẫn.
"Tuy vậy, nhà trường đưa ra chỉ tiêu đưa ra như trên để phấn đấu. Trên thực tế, năm nay chỉ cần đạt 50%, đối với chúng tôi đã là thắng lợi" - Hiệu trưởng Hà Xuân Quang tâm sự.