Ngăn chặn "tiêu cực" từ áp lực học tập: Thầy cô không dồn ép, cha mẹ là bạn đồng hành

GD&TĐ - Nhiều học sinh “cõng” trên vai áp lực học tập bởi kỳ vọng từ gia đình, thầy cô và thậm chí bản thân quá lớn. Điều đó ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, thậm chí nảy sinh hành động tiêu cực, hủy hoại bản thân.

Học sinh học trực tuyến kéo dài chịu những tác động về tâm lý cần được phụ huynh, thầy cô quan tâm hỗ trợ. Ảnh: TG
Học sinh học trực tuyến kéo dài chịu những tác động về tâm lý cần được phụ huynh, thầy cô quan tâm hỗ trợ. Ảnh: TG

Giảm áp lực học tập, tăng cường giáo dục kỹ năng sống vô cùng cần thiết để giúp học sinh biết tự bảo vệ mình, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.

Nhận biết dấu hiệu áp lực học tập

Áp lực học tập dẫn tới trầm cảm, thậm chí có học sinh đã tự hủy hoại cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn có thể ngăn ngừa nếu nhà trường, thầy cô, gia đình sớm phát hiện những dấu hiệu từ các em để kịp thời tư vấn, ngăn chặn và cứu giúp.

Nguyễn Linh Hà, HS lớp 10, Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) ở tốp 5 học sinh có thành tích học tập tốt của lớp từ THCS đến nay. Điều đó tạo cho em áp lực phải giữ “phong độ” học tập để không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của thầy cô, gia đình. Em học thêm nhiều, về nhà thường tự học đến 2 giờ sáng. Nhiều khi em thấy mệt… nhưng vẫn cố gắng.

Chị Hoàng Thu Gấm con học lớp 9 Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) trao đổi: Sau sự việc đáng tiếc của nam học sinh tại Hà Nội, hai mẹ con ngồi lại tâm sự nhẹ nhàng về việc học thì con gái bày tỏ thực lòng: “Mẹ nhắc nhở, áp sát thường xuyên việc học khiến con cảm thấy áp lực, thấy thất vọng về mình vì không giỏi như các bạn. Con đã 1 - 2 lần từng nghĩ tới việc từ bỏ tất cả. Con chỉ ước học ít hơn, bố mẹ cho đi chơi nhiều hơn và hiểu rằng con đã rất cố gắng…

Tôi giật mình với tâm sự của con và lập tức thay đổi phương pháp giáo dục đồng thời quan tâm đến tinh thần của con nhiều hơn. Kỳ vọng vào con là điều cha mẹ nào cũng đặt ra, nhưng sức khỏe, tinh thần con vui vẻ với học tập cuộc sống mới là điều cần nhất…”, chị Gấm chia sẻ.

Trước tình trạng học sinh chịu áp lực học tập và dẫn tới những hậu quả xấu, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công) đã chỉ ra một số dấu hiệu về sức khỏe tâm lý ở trẻ để gia đình, nhà trường quan tâm.

Trước hết, cần quan sát hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày ở học sinh có hành động gì bất thường không. Ví như các em thay đổi thói quen đột ngột, ngại ngần trong giao tiếp hay có những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý, hay buồn bực vô cớ.

Cha mẹ cũng cần lưu ý thêm những góc riêng tư của các con, điển hình như trên mạng xã hội, khi thấy con có những tin nhắn trao đổi với bạn bè mà hay nhắc đến những chuyện tiêu cực hay không vui thì xem xét và quan tâm đến con nhiều hơn…

TS Vũ Việt Anh cho rằng: Tư vấn tâm lý học đường được các nhà trường tăng cường, đẩy mạnh nhưng cũng không thể đảm trách 100%. Do đó cha mẹ cần chủ động trong việc kiểm tra, giám sát tâm lý của trẻ qua những dấu hiệu bất thường. Cần dành nhiều thời gian cho trẻ, chia sẻ và tâm sự nhiều hơn, ngoài việc làm bạn cùng trẻ cần làm bạn với bạn của trẻ bởi có những điều chưa chắc chúng đã tâm sự với bố mẹ vì sự khác biệt về khoảng cách thế hệ cũng như quan điểm, thái độ sống.

Mặt khác, các bậc phụ huynh cần xác định, nhà trường chủ yếu trang bị cho trẻ kiến thức, còn kỹ năng sống và thái độ sống phụ thuộc nhiều vào gia đình và môi trường. Đặc biệt yếu tố gia đình cực kỳ quan trọng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm về tương lai con, không nên quá ỷ lại, trông chờ vào nhà trường.

Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) giảm áp lực học tập cho học trò thông qua đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: NTCC
Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) giảm áp lực học tập cho học trò thông qua đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: NTCC

Giúp trò giảm áp lực

Hơn 20 năm giảng dạy tại trường chuyên và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, NGƯT Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) bày tỏ quan điểm: Học tập, tiếp nhận kiến thức là quá trình dài, để học sinh không căng thẳng, giáo viên không nên dồn ép học tập ở giai đoạn cuối (cuối kỳ thi học kỳ, thi HS giỏi tỉnh, quốc gia…) sẽ khiến học trò “mệt” về tâm lý.

“Trên thực tế, ở giai đoạn đầu dạy học có giáo viên “nhênh nhang” kiến thức, thời gian nhưng khi sắp thi lại tăng tốc, dồn ép. Điều đó phản khoa học, kém hiệu quả và đặc biệt khiến học sinh “ngán” kiến thức… Mỗi giáo viên cần có lộ trình dạy học, bồi dưỡng dài hơi, “mưa dầm thấm lâu” để học sinh ngấm kiến thức.

Trước các kỳ thi, có thể tổ chức kiểm tra đánh giá nhiều để học sinh được làm quen, tập dượt với các dạng đề, kiến thức và ổn định tâm lý… Gần kỳ thi cần dành thời gian để học sinh thư giãn, tạo sự thoải mái, không áp lực, động viên để tinh thần bước vào kỳ thi nhẹ nhàng nhất…”, cô Hạnh trao đổi.

Dưới góc độ phụ huynh, cô Hạnh cho rằng dù con học trường chuyên hay không cũng không nên kỳ vọng quá lớn. Quan trọng nhất phải nhìn ra năng lực học tập thực tế. Nếu có khả năng học tập tốt thì định hướng phát triển theo con đường học vấn, nếu không mà vẫn ép học tập sẽ dẫn tới quá tải với trẻ.

Trong cuộc sống có nhiều cách để thành công. Một người thợ giỏi còn hơn một thầy tồi. Bố mẹ làm kỹ sư, bác sĩ, lãnh đạo không nhất thiết con cái cũng phải “thành đạt” như vậy. Miễn sao con trở thành một công dân tốt, tự lao động kiếm sống nuôi bản thân, gia đình…

Từ kinh nghiệm của mình trong việc giảm áp lực học tập cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thúy, Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) trao đổi: Chương trình học trên cả nước như nhau do đó những áp lực trong học tập, thi cử đối với mọi học sinh cơ bản như nhau. Tuy nhiên, cô Thúy khẳng định học sinh ở một số thành phố lớn chịu áp lực nhiều hơn trong các kỳ thi vào 10, bởi số lượng học sinh đỗ vào trường công ít hơn. Số còn lại sẽ phải học trường ngoài công lập, học nghề… Nên việc học và thi chắc chắn áp lực.

Theo cô Thúy, cách tích cực nhất để giảm áp lực học tập đối với học sinh mà người thầy cần làm giúp học sinh yêu môn học, có vậy các em sẽ thấy học tập nhẹ nhàng, hứng thú. Bên cạnh đó, trong một lớp học không thể đặt ra yêu cầu học tập đối với mọi học sinh như nhau. Mức độ đánh giá, phương pháp giảng dạy, yêu cầu cần đạt… cần theo từng nhóm. Làm sao phải phù hợp nhất với năng lực học tập của các em.

Chỉ cần đặt ra yêu cầu “học hết sức mình”. Cần biết chấp nhận năng lực thực tế của từng học sinh bởi mỗi em có giá trị riêng. Cần ghi nhận, biểu dương sự tích cực dù nhỏ nhất, như vậy sẽ giảm áp lực học tập cho học sinh…

Thầy Trần Quốc Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Linh (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: Ở góc độ nhà trường luôn chỉ đạo giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tạo tâm lý học tập thoải mái nhất, tránh căng thẳng áp lực cho học trò. Mặt khác, trường cũng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống để các em biết trân trọng và bảo vệ bản thân. Đặc biệt, để giảm áp lực học tập ngay từ chính gia đình, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, thầy cô bộ môn tăng cường trao đổi năng lực học tập, từ đó tư vấn phụ huynh trong việc hướng nghiệp, giáo dục tại gia đình. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ