Biếu quà ngày Tết mang nhiều ý nghĩa. Từ xưa, Tết đến được coi là một dịp để mọi người tỏ lòng thành kính, nhớ đến tổ tiên, ông bà cha mẹ, thầy cô dạy dỗ. Hành động đến thăm và món quà ngày Tết được trân trọng như một sự tri ân.
Thế nhưng, bên cạnh đó lại tồn tại và ngày càng phát triển tình trạng vụ lợi từ việc biếu quà Tết. Không chỉ là gói mứt, hộp bánh, gói kẹo, chai rượu truyền thống, quà Tết giờ là rượu ngoại đắt tiền, còn là phong bì, phong bao kẹp vào túi quà.
Cách thể hiện ở cấp độ cao hơn có thể là tặng một cây cảnh nào đó giá trị, rồi qua Tết bố trí người đến mua lại cây đó bằng giá cao ngất ngưởng lên tới cả tỉ bạc, một chai rượu ngoại cũng có thể có giá mấy chục triệu đồng… Với cách tặng quà như thế thì khó áp được vào quy định để xử lý người hối lộ lẫn người nhận hối lộ. Hiện tượng biếu xén, đút lót nhằm mục đích vụ lợi nào đó thường dễ được chấp nhận vào dịp Tết.
Có những cây đào giá hàng chục triệu đồng được dùng làm quà Tết. |
Nói về việc tặng quà, nhận quà trái quy định của pháp luật, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng, vấn đề là cần phải làm rõ thế nào là nhận quà và tặng quà trái quy định. Tặng quà trái quy định là dùng ngân sách Nhà nước đi tặng, đi cho phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình. Chai rượu ngoại đúng là mấy chục triệu đồng thật, nhưng nếu người biếu nói rằng đó là quà của người thân đi nước ngoài mang về thì cũng khó quy kết được đó là quà hối lộ và người nhận đã tham nhũng.
Về việc xử lý các phản ánh nhận quà biếu trái quy định trong dịp Tết, ông Đạt cho biết, việc xử lý ít nhưng ngăn chặn được nhiều. Và, một trong những việc làm để ngăn chặn tình trạng biếu, nhận quà Tết trái quy định, ngăn chặn tình trạng tham nhũng là TTCP công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng.
Chỉ sau 25 ngày công bố cuối năm 2015, đầu năm 2016, đường dây tiếp nhận thông tin tố cáo tham nhũng của Thanh tra Chính phủ mà thường trực là Cục Chống tham nhũng đã nhận được 329 cuộc gọi. Các cuộc điện thoại và tin nhắn đến từ 27 địa phương, 12 bộ, ngành, ở các lĩnh vực khác nhau, nổi lên nhiều nhất là đất đai, khoáng sản. Tiếp theo là ngành thuế, ngân hàng, tài chính, công tác cán bộ…
Trong số các nguồn tin đã nhận được có khoảng 50% đã được cơ quan thanh tra chuyển cho các cơ quan chức năng khác theo thẩm quyền; khoảng 30% phản ánh dấu hiệu sai phạm thuộc các ngành, các địa phương, cơ quan ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; khoảng 15% có cơ sở dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng của Cục Chống tham nhũng trực tiếp xử lý.
Ông Phạm Trọng Đạt cũng cho biết, từ các nguồn tin sẽ phân loại và tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định, có thể là đề xuất thanh tra hoặc chuyển cơ quan điều tra nếu có căn cứ. Số máy đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác chính là các số máy bàn và số di động của ông Phạm Trọng Đạt. Người dân khi gọi điện đến nhiều khi còn kiểm tra lại xem liệu họ phản ánh có đúng địa chỉ hay không. Thậm chí, có đêm người dân gọi điện yêu cầu đích thân đồng chí Cục trưởng trực tiếp đến nơi họ phản ánh tiêu cực. Điều đó cho thấy, để có được những thông tin chính xác về tiêu cực, tham nhũng thì người dân cần có địa chỉ tin cậy, con người tin cậy để phản ánh. Đường dây nóng sẽ thu thập nguồn tin thực tế, giúp cho công tác nghiên cứu, đề ra giải pháp, tham mưu phục vụ quản lý nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực chống tham nhũng.
1. Để phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, người dân có thể gọi vào đường dây nóng theo các số điện thoại: 080.48228, 0902.386.999 và 0125.698.6688. 2. Thanh tra Chính phủ vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; tập đoàn kinh tế Nhà nước, Tổng công ty 91 đề nghị chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo dõi, nắm tình hình và báo cáo những trường hợp sử dụng tài sản công không đúng quy định, lãng phí, việc tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán năm 2016. Chậm nhất là ngày 15-2-2016, các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo bằng văn bản về TTCP. |