Ngắm “Mùa nước nổi” giữa Hà Nội

GD&TĐ - “Mùa nước nổi” là một triển lãm rất đẹp và có tình với gần 50 tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ danh tiếng Ca Lê Thắng.

Ở tuổi 72, họa sĩ Ca Lê Thắng mới thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên.
Ở tuổi 72, họa sĩ Ca Lê Thắng mới thực hiện triển lãm cá nhân đầu tiên.

Ca Lê Thắng - một người con của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã mang “Mùa nước nổi” đến với công chúng Hà Nội tại phòng tranh Art Space (42 Yết Kiêu). Mặc dù nổi danh trong giới mỹ thuật đã lâu, nhưng người yêu tranh càng háo hức hơn khi biết đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông.

“Con nước” tâm tưởng

Họa sĩ Ca Lê Thắng (72 tuổi) sinh tại Bến Tre, theo gia đình tập kết ra Bắc năm 1955. Ông học Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1971 - 1976. Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại TPHCM với vai trògiảng viênTrường Đại học Mỹ thuật TPHCM.

Là người có uy tín chuyên nghề với vai trò thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật Hội họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong nhiều năm. Ca Lê Thắng cũng là 1 trong 10 họa sĩ thời “Đổi mới” của Mỹ thuật Sài Gòn, vẽ trừu tượng từ rất sớm và đã khẳng định con đường đi vững chắc trong sự nghiệp.

Với gần 50 bức tranh mang chủ đề“Mùa nước nổi”, trên các chất liệu acrylic, tổng hợp với nhiều kích cỡ được sáng tác trong 10 năm trở lại đây, Ca Lê Thắng đã đem đến với công chúng Thủ đô một đề tài vừa lạ lại vừa quen.

Mùa nước nổi là hiện tượng tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long - quê hương Ca Lê Thắng. Hơn ai hết, ông hiểu rõ cảnh vật, con người và các hiện tượng này đã tạo nên một bản sắc.

Từ lần đầu tiên trong đời bất chợt chứng kiến mùa nước nổi, khi một buổi sớm mai thấy nước ngập tới chân giường. Hương phù sa cùng những tiếng ì ầm của con nước khắc sâu vào tâm trí đứa trẻ, và đi theo trong suốt cả đời người.

Những cánh đồng mênh mông nước trắng, những ốc đảo chơ vơ trên sông, những con thuyền chở người mải miết mưu sinh, những bông điên điển vàng, bông súng tím, đàn cá linh xao xác bơi, những khóm sậy phất phơ trong gió… tất cả đã biến hình, chỉ còn lại sự mơ hồ trong cảm giác về sự vật.

Người xem chỉ có thể cảm và tưởng tượng thấy trong tâm thức. Người xem tự lần theo những mảng hình đan xen, những sắc độ của màu, vệt đi của bút, các vết xược ma-trê để tự cảm một bức tranh với những hình tượng sự vật cụ thể. Điều này tạo nên sức hấp dẫn khi người xem khám phá cảm giác, cảm xúc cá nhân.

Từng vẽ những bức về mùa nước nổi từ cách nay khoảng 30 năm nhưng phải đợi tới gần đây, khi cảm xúc thật dày và phong cách thật chín, Ca Lê Thắng mới tập trung vẽ chủ đề mùa nước nổi trong vòng vài năm trở lại đây.

Loạt tranh của Ca Lê Thắng đẹp huyền ảo như một giấc mơ. Và suốt một đời người, có mấy giấc mơ mà thật long lanh và màu nhiệm đến thế. Có lẽ, phải thật yêu, thật say, thật mộng mơ với thiên nhiên mùa lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì mới có thể phô diễn lên tấm toan một thế giới vừa huyền bí lại gần gũi và sâu sắc đến như thế.

Cảnh giới mới ở tuổi 72

Gần 50 bức tranh “Mùa nước nổi” được vẽ bằng chất liệu acrylic, tổng hợp với nhiều kích cỡ được sáng tác trong 10 năm trở lại đây.

Gần 50 bức tranh “Mùa nước nổi” được vẽ bằng chất liệu acrylic, tổng hợp với nhiều kích cỡ được sáng tác trong 10 năm trở lại đây.

Nhà phê bình Nguyễn Quân cho rằng, Ca Lê Thắng vẽ lên những mùa nước nổi của hiện thực và cả mùa nước nổi của tâm tưởngvới bút pháp bán trừu tượng pha trộn cả trường màu toàn cảnh và cực thực cận cảnh.

Ngắm gần 50 bức họa “Mùa nước nổi”, người xem dễ dàng nhận ra cách mà họa sĩ sử dụng các gam màu có sự cọ xát nhiều sắc độ, nóng lạnh đan xen, trung tính cũng nhiều. Nhưng những bức tranh tạo được ấn tượng thị giác tốt vẫn là những bức có gam màu mạnh, rõ rệt.

Công chúng thấy trong những vỉa màu đầy tâm trạng không chỉ có đất bùn đất phù sa, cỏ cây lau lách chìm trong nước hoặc phất phơ trên mặt, mà còn như thấy cả những lớp trầm tích ngàn năm lắng lại cùng con nước nổi, cả trầm tích của thiên nhiên và trầm tích văn hóa.

Họa sĩ Lý Trực Sơn nhận định, cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc, rất Nam Bộ và rất Việt Nam.

Những bức tranh “Mùa nước nổi” như những thước phim nhanh lướt qua, quá nhanh để nắm bắt hình dạng rõ ràng, nhưng cũng vừa đủ để mường tượng ra hình hài và ý đồ nghệ sĩ.

Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi cho biết, “Mùa nước nổi” được cho là lấy cảm hứng từ 3 tác phẩm sơn dầu mà Ca Lê Thắng vẽ năm 1987, đó là “Đồng Tháp”, “Đất thở I” và “Đất thở II”. Nhưng 3 tác phẩm ngày ấy còn cái nhìn bàng quan, kiểu đối cảnh sinh tình, nơi tâm sự của chủ thể vẫn là trung tâm. Đến “Mùa nước nổi”, Ca Lê Thắng như nhập vào cảnh vật, không để tâm trí chi phối, cưỡng cầu, mà muốn thuận theo tự nhiên.

Có lẽ vì vậy mà các kỹ thuật hội họa được ông lược bỏ tối đa, nhằm mang đến cho người xem cảm giác vẽ như không, vẽ như buông lỏng. Nếu ai từng yêu thích các kỹ thuật phức tạp, hàn lâm của Ca Lê Thắng hẳn sẽ càng ngạc nhiên hơn với chọn lựa buông lỏng lần này. Dường như phải đến một tuổi tác hoặc một cảnh giới nào đó, mới có thể buông lỏng được như vậy.

Tuy khác nhau hoàn toàn về ý niệm, chủ đề và kỹ thuật, nhưng xem “Mùa nước nổi” gợi người xem nghĩ về các tranh thủy mặc vẽ phong cảnh của Cao Hành Kiện. Cái cảm giác mờ ảo và trôi nổi khi tìm về quê hương, cố xứ đã đưa tâm thế và tâm cảnh của họ nhập vào phong cảnh. Mang cái tiểu ngã nhập vào đại ngã.

“Mùa nước nổi” như lời cảm tạ của họa sĩ dành cho quê hương miền Tây. Cái buồn vương và buồn trôi nổi khó có nơi nào giống vậy - Ca Lê Thắng đã diễn tả rất sâu lắng cảm xúc này. Những ai từng theo dõi hành trình sáng tạo đa dạng của ông sẽ thấy lạ lẫm với “Mùa nước nổi”, vì khác cả về ý niệm, chủ đề và cách tư duy sáng tạo” - Nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Lý Đợi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.