Tuy nhiên, nhà chức trách thành phố Odessa nói rằng nhóm phòng không của họ đã phá hủy 2 tên lửa, trong khi đó 4 tên lửa khác nhắm vào một mục tiêu quân sự và các tòa nhà dân sự. Hiện vẫn chưa rõ liệu các tòa nhà dân sự có bị tấn công do các lực lượng Ukraine cố gắng bắn hạ tên lửa nhằm vào một mục tiêu quân sự hay không.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov, “tên lửa tầm xa có độ chính xác cao”, đã bắn trúng nhà ga hậu cần nằm trên một sân bay quân sự gần Odessa, nơi “một lô lớn vũ khí nước ngoài nhận từ Mỹ và các nước châu Âu được lưu trữ”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo NATO về việc gửi vũ khí cho Ukraine và tuyên bố rằng họ sẽ coi các đoàn xe vận chuyển vũ khí là mục tiêu quân sự bất hợp pháp.
Các dịch vụ khẩn cấp khu vực Odessa trước đó nói rằng “do hậu quả của một cuộc pháo kích của kẻ thù”, một tòa nhà dân cư 16 tầng đã bốc cháy và được dập tắt trong khoảng 2 tiếng rưỡi.
Trong một thông báo, nhà chức trách Odessa nói rằng sau vụ việc trên có 6 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em và 18 người khác bị thương. Ngoài ra, 2 người được cứu khỏi đống đổ nát và 86 người dược sơ tán.
Theo văn phòng báo chí Bộ Tư lệnh Hàng không miền Nam Ukraine, hôm qua, nhóm phòng không của họ đã phá hủy 2 tên lửa hành trình được cho là phóng từ máy bay chiến lược TU-95 của Nga ở biển Caspi và 2 UAV cấp chiến thuật tác chiến. 2 UAV này được cho là điều chỉnh đường đi của các tên lửa hành trình và tạo chướng ngại vật cho các hệ thống phòng không đối phương.
“Thật không may, 2 tên lửa đã bắn trúng một cơ sở quân sự và 2 tòa nhà dân cư” – quân đội Ukraine tuyên bố.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Moscow và Kiev đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm tội ác chiến tranh, nhắm vào dân thường, cản trở việc sơ tán và vi phạm luật pháp quốc tế. Một số vòng đàm phán hòa bình đã không mang lại kết quả đáng kể nào.
Moscow tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 vì cho rằng Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2014. Nga đã công nhận 2 nước cộng hòa ly khai Donestk và Lugansk là các quốc gia độc lập. Nghị định thư Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai địa vị đặc biệt ở Ukraine.
Nga yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố mình là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ gia nhập khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố rằng họ đang có kế hoạch chiếm lại 2 nước cộng hòa bằng vũ lực.