(GD&TĐ) – Vô số viên kim cương nằm dưới một hố thiên thạch đường kính 99,2 km ở phía đông Siberia được biết với cái tên Popigai Astroblem. Nga tiết lộ thông tin mà họ đã biết từ những năm 70.
Nga vừa tiết lộ thông tin gây chấn động thị trường đá quý, đó là việc phát hiện ra cánh đồng kim cương, đủ để cung cấp cho các thị trường toàn cầu trong vòng 3.000 năm sau.
Một công nhân làm việc tại công ty kim cương ở Botswana |
Người Nga đã phát hiện ra mỏ kim cương này từ những năm 70 bên dưới một hố thiên thạch 35 triệu năm ở phía đông Siberia được biết tới cái tên Popigai Astroblem.
Họ đã quyết định giữ bí mật và không khai thác, có thể là do các hoạt động về kim cương của Nga ở Mirny, Yakutia đã đủ mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ mà sau đó trở thành thị trường thế giới được kiểm soát chặt chẽ.
Người Nga cũng tạo ra một loạt kim cương nhân tạo và đã thu hoạch được lợi nhuận đáng kể.
Sau khi tiết lộ thông tin trên, Moscow đã cho phép các nhà khoa học viện Địa lý và Khoáng vật Novosibirsk công bố với các nhà báo Nga.
Theo thông tấn xã ITAR-Tass, kim cương ở Popigai “cứng gấp đôi” so với kim cương thông thường và lý tưởng dùng trong ngành công nghiệp và khoa học.
Giám đốc viện Novosibirks nói với ITAR-Tass rằng thông tin về mỏ kim cương có thể khiến các thị trường kim cương toàn cầu “chao đảo”. Theo đó, những nguồn kim cương siêu cứng có trong những viên đá tại đây lớn gấp 10 lần so với những khu trữ lượng trên thế giới được biết đến.
Loại đá ở Popigal được biết tới là “những viên kim cương nén”, chúng được cho là tạo ra khi có thứ gì đó như thiên thạch rơi vào mỏ kim cương hiện có với tốc độ cao. Người Nga cho biết, hầu hết những viên kim cương được tìm thấy trước đây đều là “kim cương vũ trụ” có nguồn gốc ngoài hành tinh tìm thấy trong các hố thiên thạch.
Hà Châu (Theo Christian Science Monitor)