Nga lập kỷ lục về ca mắc và tử vong do Covid-19, số người tự tử ở Thái Lan tăng trong mùa dịch

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 241.148.445 ca mắc Covid-19, gồm 341.119 ca mới. Số ca tử vong là 4.909.587 ca mắc, gồm 5.292 ca mới.

Lần đầu tiên số ca tử vong do Covid-19 ở Nga vượt 1.000.
Lần đầu tiên số ca tử vong do Covid-19 ở Nga vượt 1.000.

Hôm qua (16/10), Nga báo cáo kỷ lục 1.002 ca tử vong vì Covid-19. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong trong ngày vượt quá 1.000 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong khi đó, số ca mắc trong ngày qua là 33.208 ca – lập kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp.

Nhà chức trách Nga cho rằng chiến dịch tiêm vắc xin chậm chạp đã khiến số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng mạnh. Họ phải yêu cầu những nhân viên y tế nghỉ hưu đã tiêm vắc xin quay trở lại làm việc.

Nga ước tính 45% dân số đã miễn dịch với Covid-19 sau khi nhận được tiêm vắc xin hoặc đã hồi phục sau khi mắc dịch. Trong khi đó, số liệu mới nhất cho thấy 48 trong số 144 triệu người Nga đã được tiêm đầy đủ và 51 triệu người được tiêm 1 liều.

Tổng số Nga có gần 8 triệu ca mắc Covid-19 và 222.315 ca tử vong vì đại dịch.

Tại Thái Lan, tỷ lệ tự tử đang gia tăng vì Covid-19 đã làm suy yếu sức khỏe tâm thần cộng đồng trong gần 2 năm. Dữ liệu mới nhất từ Cục sức khỏe Tâm thần cho thấy số ca tử vong do tự tử đã tăng rõ rệt, từ ít nhất 5.768 vào năm 2018 lên 5.870 ca vào năm 2019 và 6.597 vào năm 2020.

Điều này có nghĩa là chỉ riêng năm ngoái, Thái Lan ghi nhận 10,08 ca tử vong trên 100.000 dân.

Tiến sĩ Amporn Benjaponpithak về sức khỏe tâm thần Thái Lan bày tỏ lo ngại về xu hướng gia tăng số ca tử tử do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19.

“Mọi cuộc khủng hoảng đều ảnh hưởng đến tinh thần. Những người không thể điều chỉnh hoặc có những hạn chế sẽ bị ảnh hưởng. Tác động nghiêm trọng nhất mà chúng tôi lo lắng nhất là tự sát” – bà nói.

Theo Tiến sĩ Amporn, đại dịch gây ra thiệt hại về người và ảnh hưởng đến tình trạng kinh tế xã hội. Những điều này có xu hướng xảy ra đột ngột. Nhiều người đã mất người thân của mình. Có người mất việc làm và rơi vào cảnh nợ nần.

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu để đảm bảo có được vắc xin, nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bị chậm lại nhưng lần này họ đang cố gắng để có được thuốc trị Covid-19 mặc dù loại thuốc này chưa được cấp phép sử dụng.

Thuốc Molnupiravir do công ty dược phẩm Merck của Mỹ sản xuất đang được xem là yếu tố thay đổi cuộc chơi, đặc biệt dùng được cho những người không thể tiêm vắc xin. Nếu được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép, đây sẽ là phương pháp điều trị kháng virus đường uống đầu tiên chống Covid-19.

Theo công ty phân tích Airfinity, ít nhất 8 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận hoặc đang đàm phán để mua thuốc, bao gồm New Zealand, Australia và Hàn Quốc.

Họ cảnh báo rằng cuộc chạy đua dự trữ thuốc viên của châu Á có thể lặp lại tình trạng mua vắc xin vào năm ngoái, khi các nước giàu hơn bị cáo buộc tích trữ hàng trong khi các nước nghèo hơn không thể mua được.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ