Nga đối mặt lỗ hổng an ninh và mối đe dọa khủng bố

Ngày 4.4, cơ quan an ninh Kyrgyzstan cho biết, một người Nga gốc Kyrgyzstan tên là Akarzhon Jalilov có thể là nghi phạm chính trong vụ đánh bom tàu điện ngầm St.Petersburg hôm 3.4 làm 14 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương. Vụ tấn công đặt ra những câu hỏi về an ninh và sự phối hợp chia sẻ thông tin chống khủng bố.

Nga đối mặt lỗ hổng an ninh và mối đe dọa khủng bố
Nga doi mat lo hong an ninh va moi de doa khung bo - Anh 1

Một người bị thương trong vụ nổ ở ga tàu điện ngầm St.Petersburg.

Nghi phạm Kyrgyzstan

Người phát ngôn Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan, Rakhat Sulaimanov, nói với hãng tin TASS của Nga, nghi phạm Jalilov, 22 tuổi, đã sống ở Nga 6 năm và đến từ thành phố Osh ở phía nam Kyrgyzstan. “Đã xác định được một nghi phạm thực hiện vụ tấn công là Jalilov, người gốc Kyrgyzstan. Anh ta được cấp quốc tịch Nga được một thời gian” - ông Sulaimanov nói. Giới chức Nga chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin này. Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan đang phối hợp chặt chẽ với giới chức Nga để điều tra vụ việc. Hiện có hàng trăm nghìn người Trung Á sinh sống ở Nga, họ thường làm việc trên các công trường xây dựng trong điều kiện nghèo nàn, gửi tiền kiếm được về cho gia đình ở quê nhà.

Mặc dù chưa xác định chắc chắn thủ phạm vụ đánh bom tàu điện ngầm St.Petersburg, song mọi nghi ngờ tập trung vào các nhóm Hồi giáo. Vì sao như vậy? Trong những năm 1990 và 2000, Nga hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố với tần suất đáng báo động, khi các nhóm Hồi giáo ở Chechnya hay nhắm mục tiêu vào các phương tiện giao thông như tàu hỏa, máy bay và ga tàu điện ngầm. Tuy nhiên, bên ngoài Chechnya và các nước Cộng hòa ở khu vực Bắc Kavkaz, số lượng các vụ tấn công giảm mạnh trong những năm gần đây. Vụ đánh bom hôm 3.4 tại tàu điện ngầm St.Petersburg là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất bên ngoài khu vực miền nam Nga kể từ vụ tấn công tự sát tại sân bay Domodedovo ở Mátxcơva năm 2011 làm 37 người thiệt mạng, và vụ nổ ở tàu điện ngầm Mátxcơva năm 2010.

Tính đến chiều ngày 4.4, chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng do lịch sử của các vụ tấn công khủng bố ở Nga, các nhóm Hồi giáo bị nghi ngờ nhiều nhất. Những cuộc tấn công khủng bố ban đầu do chiến binh Chechnya thực hiện, như vụ bắt cóc con tin hàng loạt ở nhà hát Dubrovka, Mátxcơva năm 2002, hay ở trường Beslan năm 2004, đều được đi kèm với yêu cầu Nga rút quân khỏi Chechnya. Sau đó, phong trào đòi độc lập ở Chechnya đổi tên thành Caucasus Emirate (Tiểu vương quốc Caucasus), tìm cách áp đặt một nhà nước Hồi giáo lên khắp khu vực Bắc Caucasus có đông người theo đạo Hồi sinh sống, và thu hút chiến binh từ các nước cộng hòa láng giềng như Dagestan. Caucasus Emirate nhận trách nhiệm vụ đánh bom tàu hỏa năm 2009, vụ đánh bom tàu điện ngầm Mátxcơva năm 2010 và vụ tấn công tự sát ở sân bay Domodedovo.

Lỗ hổng an ninh?

Doku Umarov - thủ lĩnh tự phong của phong trào nổi dậy, đã bị tiêu diệt năm 2013. Kể từ đó, khả năng tấn công của phong trào này vào trái tim nước Nga dường như suy yếu. Tuy nhiên, theo tờ Guardian, có những bằng chứng quan trọng rằng cơ quan an ninh Nga đã bỏ qua các chiến binh rời Nga đến Syria chiến đấu. Giới chức an ninh Nga cho biết, hàng nghìn chiến binh Hồi giáo từ Nga và các nước Liên Xô cũ đang chiến đấu ở Syria. Kể từ khi Nga can thiệp vào Syria, đã xuất hiện nhiều video tuyên truyền của chiến binh IS thề trả thù. Tháng 10.2015, một máy bay Nga đi từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập về St.Petersburg đã bị nổ tung do thiết bị phát nổ được đưa lên khoang, làm hơn 200 người thiệt mạng. IS nhận trách nhiệm vụ này. Lý do để St.Petersburg là địa điểm tấn công, theo cựu sĩ quan tình báo MI5 của Anh, Annie Machon, vì “Tổng thống Putin có mặt tại thành phố này, và đây cũng là thành phố quê hương ông”.

Vụ tấn công mới nhất ở St.Petersburg một lần nữa đặt ra câu hỏi về hàng rào an ninh của Nga nói riêng và Châu Âu nói chung trước các mối đe dọa khủng bố. Mới đây nhất hôm 22.3, một vụ tấn công khủng bố xảy ra ngay bên ngoài trụ sở Quốc hội Anh, khiến 4 người thiệt mạng. Năm ngoái, nhiều vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Đức với phương thức đơn giản nhưng khó đề phòng là đâm xe vào đám đông, gây thương vong lớn. Châu Âu những năm này khó mà yên bình. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu ngày 4.4 nói rằng, vụ đánh bom cho thấy cần những nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu. Nhưng theo ý kiến của ông Peter Ford - cựu Đại sứ Anh tại Syria, hiện chưa đủ thông tin liên lạc giữa các cơ quan an ninh quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. “Vẫn có một sự miễn cưỡng lớn từ phía các cơ quan an ninh phương Tây để chia sẻ thông tin với Nga. Một vài tháng trước, Nga đưa ra đề xuất rất nghiêm túc để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, nhưng Lầu Năm góc từ chối” - ông Ford nói với RT.

Được tin ngày 3.4.2017 đã xảy ra vụ khủng bố tại ga tàu điện ngầm thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 4.4.2017, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Liên bang Nga V. Putin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố này và xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Liên bang Nga cùng gia đình những nạn nhân của vụ tấn công, đồng thời tin tưởng mạnh mẽ rằng những kẻ gây ra tội ác này sẽ phải sớm bị trừng trị thích đáng.” Hiện chưa có thông tin về người Việt là nạn nhân của vụ khủng bố.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ